Những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Hậu Giang đã đem lại nhiều kết quả ý nghĩa thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm, hỗ trợ về y tế và giáo dục, hoạt động trợ giúp pháp lý, tăng dần mức sống dân cư ở các xã nghèo, các vùng khó khăn, hạn chế tái nghèo. 

Tỉnh đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người thất nghiệp, người thiếu việc làm và người nghèo tiếp cận được các dịch vụ công, được trợ giúp hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, giúp người nghèo tăng thu nhập, hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo. 

Toàn tỉnh đã xây dựng 77 mô hình giảm nghèo, có 1.172 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia. Với những nỗ lực trên, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 1 - 2%/năm, năm 2023 giảm còn 3,29%.

Cụ thể, nếu như đầu năm 2019, toàn tỉnh có 14.489 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,18% và 10.123 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,02% thì đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 6.965 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,46% và 7.167 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,56%. So với đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm được 3,72% (từ 7,18% xuống còn 3,46%), biên độ giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trung bình 1,86%.

đao tao nghe.jpg
 Tỉnh Hậu Giang chú trọng công tác đào tạo nghề cho người dân. Ảnh: TH

Nếu áp theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, qua kết quả tổng rà soát đầu năm 2022, toàn tỉnh có 12.989 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,45% và 7.840 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,89%. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 6.611 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,29% và. 6.741 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,36%. So với đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm được 3,16% (từ 6,45% xuống còn 3,29%), biên độ giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trung bình 1,58%.

Song song với công tác giảm nghèo, địa phương cũng chú trọng công tác đào tạo việc làm cho người dân. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Hậu Giang đã tạo và giải quyết việc làm mới cho 79.770 người. Trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.817 người. Đào tạo nghề cho 44.099 người (trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia là 17.245 người), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 61,19% (2020) lên 70,17% (6 tháng đầu năm 2024). 

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện tốt việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Đình Sơn