Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với mục tiêu giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo. Người nghèo, hộ nghèo được hỗ trợ để vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trồng lúa chất lượng cao, đầu tư vào trang trại

Nhiều huyện thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả ban đầu khả quan trong nỗ lực giảm nghèo. Chẳng hạn, huyện Thanh Sơn xuất hiện nhiều mô hình sinh kế như mở rộng diện tích trồng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao nhằm mang lại giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với lúa thường; chuyển đổi đất vườn tạp, đồi núi thấp, kém hiệu quả sang trồng cây bưởi... 

Người dân được khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế đồi rừng. Hàng trăm hộ dân tại các xã Cự Thắng, Sơn Hùng, Giáp Lai, Lương Nha, Địch Quả, Hương Cần, Võ Miếu, Thục Luyện... mạnh dạn đầu tư vào gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp. 

Huyện còn chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, đã có 14 lớp đào tạo nghề trong chương trình mục tiêu cho trên 500 lao động nông thôn, tạo việc làm tăng thêm cho gần 2.000 lao động. 

Tính đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 8,3%, hộ cận nghèo giảm còn 8,47%. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn 11,59%. 

W-giam-ngh232o-2.jpg
Người nông dân được tạo điều kiện, hỗ trợ phù hợp để thay đổi cuộc sống. 

Tại Yên Lập, trong giai đoạn 2021-2023, huyện có 16 xã và 1 thị trấn nằm trong phạm vi của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 70 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 11 xã là đối tượng ưu tiên. Do vậy, chính quyền các cấp luôn quan tâm chỉ đạo, sâu sát tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch phân bổ vốn.

Tính đến đầu năm 2023, huyện đã đầu tư 63 công trình tại 11 xã khu vực III và 12 công trình theo danh mục. Kết quả giải ngân vốn đầu tư đạt 81% so với tổng vốn được giao. Nhờ đó, thu nhập bình quân đạt 37 triệu đồng/người/năm, 100% trường lớp xây dựng kiên cố, 97% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Hướng đến mục tiêu bền vững

Tương tự, tại xã Quảng Yên (huyện Thanh Ba), người nông dân tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đưa những giống lúa năng suất cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo về nguồn lương thực.

Xã khuyến khích người dân sử dụng đất rừng có hiệu quả bằng cách chuyển đổi dần diện tích trồng cây bạch đàn, cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; xây dựng mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gà thả đồi, mô hình liên kết sản xuất các giống cây lâm nghiệp, cây bản địa, chuyển hóa rừng gỗ lớn. 

Bên cạnh đó, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Thanh Ba đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Từ số vốn vài chục triệu đồng cho đến 100 triệu đồng, họ đã cải tạo vườn tạp, đồi rừng, mở rộng chăn nuôi, phát triển thương mại, dịch vụ…

Trước đây, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Phú Thọ đã có 23.000 hộ thoát nghèo, 12.000 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân 1,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh so với cả nước vẫn còn cao, giảm nghèo chưa thực sự vững chắc. 

Chính vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025, việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh đã có những thay đổi, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hơn. Tỉnh đề cao chính sách hỗ trợ có điều kiện, khuyến khích người dân tự vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại.