Trả lời câu hỏi về chính sách hỗ trợ người lao động trở về quê để họ không bị bỏ lại phía sau, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lực lượng lao động về quê tương đối lớn, dù số liệu khác nhau, sau khi xem tổng kết của 63 địa phương thì con số chính thức là 1,3 triệu người, chiếm 60% là người dân di chuyển từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung 

Ông Dung cũng thông tin, có khoảng 30% người có nhu cầu quay trở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, 30% muốn chuyển địa bàn khác, còn lại muốn ở lại quê và tìm công ăn việc làm.

Ông đề nghị các địa phương có kết nối để vận động, thuyết phục người lao động trở lại, hoặc các địa phương phối hợp với nhau để giới thiệu việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, ông Dung nhấn mạnh có thể tạo việc làm tại chỗ. Như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ công nhân may làm việc ở địa phương. Song song với đó, địa phương cần triển khai các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ cho người lao động.

Bộ trưởng cũng đề cập báo cáo 117 giải trình các vấn đề đề ra cho phiên chất vấn, trong đó có giải pháp dành cho cả người lao động về quê, không trở lại thành phố và người lao động quay trở lại các trọng điểm sản xuất công nghiệp.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc xây dựng sàn an sinh thật tốt với người lao động; việc làm, nơi ăn ở, chỗ gửi con cái và biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động bằng cách tiêm vắc xin.

Ông Dung cũng khẳng định, Việt Nam là quốc gia đứng đầu khối ASEAN về chính sách đảm bảo an sinh, dù điều kiện đất nước còn không ít khó khăn. Với tinh thần đó, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng đề án về chính sách đảm bảo an sinh xã hội cụ thể với từng đối tượng như người có công, người nghèo, người khuyết tật… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Ngọc Linh