Theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Ninh Bình, năm 2024, huyện Hoa Lư có 23 hộ gia đình được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tổng kinh phí hỗ trợ là 1,95 tỷ đồng. Đây là những hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 và có tên trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý của năm 2024.

Trong tổng số 23 hộ nói trên, có 16 hộ được hỗ trợ xây mới và 7 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Các hộ xây mới được hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ, hộ sửa chữa được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ. Huyện Hoa Lư phấn đấu thực hiện trước mùa mưa bão năm 2024 và hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở xong trước ngày 31/12 cho 23 hộ nghèo đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2024.

Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà nhằm đảm bảo hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện có nhà ở an toàn, ổn định trong mùa mưa bão, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội năm 2024 của huyện.

Bằng nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau, năm 2023, huyện Hoa Lư đã xây mới, sửa chữa nhà ở cho 43 hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở, qua đó, góp phần thiết thực giúp họ an cư, ổn định cuộc sống.

Trong số 43 ngôi nhà được xây mới, sửa chữa có 18 nhà được hỗ trợ xây dựng theo Nghị quyết 43/2023/NQ-HĐND tỉnh Ninh Bình với tổng kinh phí huy động hỗ trợ gần 4,5 tỷ đồng.

Ngoài ngân sách tỉnh hỗ trợ 1,7 tỷ đồng, Hoa Lư đã tích cực tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, cộng đồng xã hội chung tay, góp sức hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho 25 hộ gia đình chính sách, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền huy động trên 2 tỷ đồng. Điều đó đã tạo động lực giúp họ nỗ lực, cố gắng vươn lên xây sửa nhà khang trang, kiên cố để ổn định cuộc sống.

Bà Vũ Thị Vượng, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, lâu nay sống một mình, hoàn cảnh khó khăn lại ốm đau, bệnh tật quanh năm. Việc tự xây nhà mới dường như là điều không thể. Năm 2023, bà là một trong những đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh. Xúc động trong căn nhà mới, bà Vượng nói ước mơ an cư của bà đã thành hiện thực.

Trường hợp khác là bà Đinh Thị Xâm, hộ nghèo ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Sau nhiều năm sống trong ngôi nhà cũ xuống cấp, vừa qua, nhờ số tiền hỗ trợ 100 triệu đồng theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh, sự giúp đỡ của địa phương, người thân, hàng xóm, bà Xâm đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, kiên cố. 

thanhhoa giam ngheo.jpg
Nhiều địa phương chăm lo hỗ trợ sinh kế, việc làm, nhà ở... cho người nghèo. 

Trên toàn tỉnh Ninh Bình, theo rà soát cuối năm 2022, tỉnh có 7.438 hộ nghèo, trong đó số hộ thiếu hụt chỉ số tiếp cận nhà ở chiếm 6,17%. Hầu hết những người này không có sức lao động, tự thân không thể xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

Chăm lo nhà ở cho người nghèo, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND, ngày 10/3/2023 quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, chính sách của tỉnh quy định đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng dột nát, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sập đổ trong mùa mưa bão mà hộ gia đình không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa...

Để được hỗ trợ, các hộ phải bảo đảm đủ các điều kiện: Chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà hư hỏng, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng hoặc không đảm bảo 2 tiêu chí trong tổng số 3 tiêu chí: nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng. Tiêu chí cứng được hiểu là xây dựng bằng vật liệu bền chắc như gạch, đá, cát, sỏi, xi măng, sắt thép, gỗ bền chắc, đang trong tình trạng sử dụng tốt...

Năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 500 hộ nghèo trong đó có 331 căn nhà xây mới, 169 căn nhà sửa chữa. Tổng số vốn huy động và giải ngân là hơn 58,7 tỷ đồng. Năm 2024, 424 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; trong đó: xây mới 322 căn, sửa chữa 102 căn. Tổng kinh phí hỗ trợ là 37,3 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ về nhà ở đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo ở Ninh Bình ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.