Thông tin trên được Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ tại họp báo về Hội chợ Xuất khẩu TP.HCM lần đầu tiên, chiều 17/5.

Theo ông Tùng, 4 tháng đầu năm 2023, rau quả là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu tăng trưởng tốt (đạt 1,39 tỷ USD - pv), tăng gần 20% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc… Trái cây Việt đã đạt được nhiều tiêu chí ở các thị trường khác nhau.

Cần hiểu rằng, mỗi thị trường nhập khẩu là một sân chơi, trái cây xuất sang Mỹ chưa chắc đã vào được EU. Tương tự, hàng vào EU không có nghĩa là vào được Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ quy định mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp, đơn vị xuất khẩu không được vi phạm. Nước bạn cũng chỉ cho nhập khẩu những loại trái cây đã được đàm phán song phương, không phải tất cả. Muốn được phép xuất khẩu một loại quả cũng sẽ phải xin trong nhiều năm. Cuối năm ngoái, trái bưởi Việt vào được thị trường Mỹ sau 8 năm đàm phán, hiện, loại quả này đang rất thành công ở thị trường nước bạn.

Còn EU hay Canada chấp nhận tất cả các mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang, họ không yêu cầu đàm phán. Tuy nhiên, các quốc gia trên sẽ kiểm soát hơn 36 hoạt chất, nếu hàng Việt Nam vi phạm, sẽ bị đưa vào danh sách đen, cấm xuất khẩu. Đây là rủi ro rất cao.

Nhiều mặt hàng rau quả Việt Nam được thế giới tiêu thụ nhưng chính người dân trong nước lại e dè. (Ảnh minh họa: Anh Nguyễn)

Có thể thấy, doanh nghiệp Việt yếu thế, phụ thuộc vào quy định, luật lệ các nước đặt ra, phải đáp ứng nếu muốn xuất khẩu. Ngược lại, Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật nhất định đối với hàng nhập khẩu vào nội địa, để chúng ta có vị thế, đàm phán ngược lại với các nước bạn.

"Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước lại đang bị nhiễu thông tin, họ luôn cảm giác trái cây Việt không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng, chúng ta quên mất rằng, các nước tiên tiến trên thế giới hoặc ngay sát biên giới, đang ăn trái cây Việt Nam. Do vậy, người tiêu dùng cần có cái nhìn khác về trái cây nội địa", ông Tùng phân tích.

Chung quan điểm, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market Việt Nam cho hay, trái cây nước ta được các đối tác đánh giá chất lượng tốt. Khi hàng Việt đã đáp ứng hết tất cả rào cản kỹ thuật của nước bạn thì họ gần như không thay thế được mặt hàng của chúng ta. Tuy nhiên, khâu tiếp thị hàng Việt Nam cần làm tốt hơn. Sản phẩm tốt mà không có thông tin, không gửi hàng mẫu đi giới thiệu thì chẳng ai biết tới. 

Đề cập về Hội chợ Xuất khẩu TP.HCM diễn ra từ ngày 25-28/5 tới đây, bà Đinh Hồng Vân, Giám đốc Tiếp thị Masan Consumer cho hay, đơn vị đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu các sản phẩm tiêu biểu ra thế giới. Hội chợ là kênh thiết thực, góp phần kích hoạt giao thương kinh tế. Sự kiện tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội địa giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến đối tác quốc tế. “Chúng tôi hy vọng, hoạt động sẽ được tổ chức hàng năm, trở thành sự kiện tiêu biểu của TP.HCM nói riêng, thế giới nói chung, như mô hình hội chợ quốc tế”, bà Vân nói.

3.000 doanh nghiệp sẽ kết nối giao thương, sự kiện lớn “cháy” gian hàng

 

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, dự kiến, khoảng 3.000 doanh nghiệp đăng ký gặp gỡ và kết nối mua hàng. Hiện, các doanh nghiệp đã đăng ký hết 250 gian hàng tại hội chợ. 

Đây là hội chợ xuất khẩu lần đầu tích hợp mở cửa tự do, hàng loạt ưu đãi, trải nghiệm sẽ được dành cho người tiêu dùng mua sắm. Từ đó, nâng cao niềm tin về chất lượng sản phẩm Việt Nam, đồng thời, mở ra tiềm năng phát triển thị trường nội địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu. 

Theo ông Vũ, từ đầu năm 2023 tới nay, lạm phát ở các nước đã bóp chặt khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM gặp khó. Do đó, kênh tiêu dùng trong nước cần được khai thác triệt để và hội chợ sẽ gia tăng cơ hội bán hàng cho doanh nghiệp nội địa. Nhiều nhà mua hàng quốc tế đã đăng ký xúc tiến giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam.