Họa sĩ Hoàng Lan vừa tổ chức trưng bày triển lãm Solo Art Exhibition: Ấn tượng tại Hà Nội, đánh dấu chặng đường 20 năm lặng lẽ, bền bỉ với đam mê hội họa.

"Từng theo đuổi nghệ thuật múa ba lê nhưng đam mê hội họa đã đưa tôi tới nghề giáo. Tôi học Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành Sư phạm rồi miệt mài với công việc giáo viên dạy năng khiếu cho trẻ, trong đó có trẻ em tự kỷ. Bên cạnh đó, vai trò một người mẹ cũng lấy đi của tôi nhiều thời gian, tâm sức", họa sĩ Hoàng Lan tâm sự.

Solo Art Exhibition: Ấn tượng của họa sĩ Hoàng Lan trưng bày 20 bức tranh trừu tượng gồm: Bình yên của tôi, Sự tin tưởng, Bay xa, Cuối con đường, Xoa dịu, Một ngày mới đến, Cầu nguyện, Tất cả chỉ mình tôi, Như tôi có thể, Nơi tôi sinh ra và lớn lên, Một ngày xanh…

Các tác phẩm sử dụng chất liệu acrylic, có bức khổ lớn đến 2m, được Hoàng Lan sáng tác những năm gần đây từ những điều nhỏ bé và quen thuộc trong cuộc sống như một người già đang cười chị thấy trên đường, lũ trẻ nô nghịch hay gương mặt người phụ nữ giờ tan tầm thoáng mệt mỏi... được chị dùng đường nét, sắc màu thể hiện trên toan.

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm.

Nữ họa sĩ chủ tâm để tác phẩm tự đối thoại với người xem chứ không bó buộc vào tình cảm, tâm tư họa sĩ. Không đặt ra sự nhất thiết về việc vẽ mỗi ngày, mỗi tuần, nhưng hễ có tiền chị sẽ mua nhiều toan. Có những bức tranh cả năm chưa được vẽ tiếp, có bức 20 tiếng làm việc đã xong, chị không ép mình về tiến độ mà có thể có sự chuyển đổi. Chỉ cần có cảm xúc trước một mảng màu, chị sẽ làm việc để có đối thoại. 

Đi sâu vào thế giới nội tâm trong tác phẩm của họa sĩ Hoàng Lan, có thể cảm nhận được chiều sâu ngôn ngữ, khát vọng ẩn giấu phía sau sự lặng lẽ, hy sinh đầy nhẫn nại.

Họa sĩ Hoàng Lan chia sẻ, những tác động bên ngoài vốn không liên quan nhiều tới đời sống và sáng tạo của chị. Tiếp xúc với những em bé tự kỷ, thấy sự thay đổi tích cực mỗi ngày, chị thấy ngập tràn cảm hứng; hay khi ngắm trẻ con tung tăng, chị cũng dấy lên câu hỏi: Những thiên thần kia, chúng có biết mình đang vui sướng nhất không nhỉ? Chị cũng thường hay nghĩ về những người lao động, tự đặt ra câu hỏi: Ngày trẻ họ thế nào, họ làm gì, họ chọn nghề hay nghề chọn họ?… 

Với triển lãm lần đầu tiên này, họa sĩ Hoàng Lan mong chờ sự tương tác, góp ý, cảm nhận của mọi người như cách chị đưa ra những món ăn tinh thần và sự đón nhận thuộc về khẩu vị, không có đúng hay sai.

“Đến món ăn mình nấu ra, con cái còn có thể không thích, nên với tôi sự kiện lần này, góc nhìn của tôi giản dị như một lần mở cửa, nồng nhiệt mời khách vào nhà đó và xác định sẽ có nhiều 'khẩu vị'. Quanh tôi có nhiều người tài năng, tôi nghĩ điều mình chiêm nghiệm chưa chắc hợp với ai đó. Tôi chỉ muốn bày tỏ sự nỗ lực nỗ lực, vươn tới thông qua tác phẩm và tình cảm của mình mà không hề đòi hỏi”, họa sĩ bày tỏ.

4 hoa si hoang lan va tran ly ly.jpg
Họa sĩ Hoàng Lan bên NSND Trần Ly Ly.

Hoàng Lan hạnh phúc khi thực hiện được giấc mơ mở phòng tranh, tổ chức triển lãm cá nhân. Trong ngày vui, chị gặp lại nhiều bạn học hệ vũ kịch khóa 19 Học viện Múa Việt Nam năm ấy, trong đó có NSND Trần Ly Ly.

Từ xa, em gái - ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung - xúc động nói với VietNamNet: "Tôi mừng thay cho chị gái. Thật khó tin một bà mẹ 4 con, nhiều việc, bận rộn như thế vẫn đam mê mãnh liệt với hội họa. Mong chị giữ mãi ngọn lửa trong tim như thế".

Chị Lan 'bánh rán' của Nguyễn Hồng Nhung

Ba chị em gái Hoàng Lan sinh ra trong gia đình có bố là cựu chiến binh, kiến trúc sư tài hoa, mẹ là người gốc Thái Lan rất giỏi múa cung đình, dòng họ không thiếu người theo nghề múa, hội họa.

Chị cả mất từ năm 2 tuổi do bệnh tật, nhà nghèo không có tiền chạy chữa thuốc thang. Kể từ đó, Hoàng Lan và em - ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung - bảo ban nhau sống tốt thay phần chị gái vắn số, làm những điều khiến bố mẹ vui. 

Thuở bé, Hoàng Lan dịu dàng, ít nói và trầm tư, thỉnh thoảng khá bộc trực còn Nguyễn Hồng Nhung lém lỉnh, lanh lợi. Họa sĩ mê ăn bánh rán nên 'chết' danh đến nay.

1hoa si hoang lan va bo me de.jpg
Hoàng Lan bên bố mẹ.

Dù gia cảnh không khá giả, hai chị em lớn lên trong bầu không khí văn nghệ gia đình, luôn được bố mẹ tạo điều kiện tiếp xúc nghệ thuật sớm. Mẹ chị thường lái xe đạp cọc cạch đèo các con đến Cung Văn hóa thiếu nhi học múa ballet.

Từ nền tảng, Hoàng Lan theo học ballet tại Học viện Múa Việt Nam hệ vũ kịch tuyển sinh 3 năm/lần với điều kiện khắt khe. Nhiều nghệ sĩ múa thành danh từ khóa 19 đó, như NSND Trần Ly Ly.

16 tuổi, Hoàng Lan đầu quân vào Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Sau này, chị đi dạy năng khiếu cho trẻ em trong lớp thiện nguyện ở nhà văn hóa, dần nhận ra tình yêu hội họa. 22 tuổi, chị lén cha mẹ thi vào ngành Sư phạm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp năm 2007.

Trong khi đó, em gái Nguyễn Hồng Nhung tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế thời trang tại Viện Đại học Mở Hà Nội (nay là Trường Đại học Mở Hà Nội) rồi theo đuổi sự nghiệp âm nhạc.

Chị em Hoàng Lan - Nguyễn Hồng Nhung.

20 năm qua, ballet và hội họa chiếm phần quan trọng trong đời sống Hoàng Lan. Có giai đoạn, công việc dạy múa giúp chị kiếm thu nhập, vừa trang trải cuộc sống vừa sắm họa cụ. Ngoài ra, họa sĩ hạnh phúc khi có nhiều hơn một cách biểu đạt tâm tình qua nghệ thuật. 

Chị em Hoàng Lan và Nguyễn Hồng Nhung thương nhau, liên lạc đều đặn dù không có dịp gần gũi, đỡ đần nhau trong cuộc sống (Nguyễn Hồng Nhung định cư Mỹ năm 2005 - PV). Thỉnh thoảng, Nguyễn Hồng Nhung gặp một số nghệ sĩ trẻ nói "Em là học trò cô Lan ngày xưa" lại thấy nhớ chị gái.

"Đi hai con đường đời khác nhau, và phần nào đường tôi đi nhiều thử thách hơn, chị vẫn mãi là Lan 'bánh rán' dịu dàng như ngày nào. Sau tất cả thăng trầm, có những điều giản dị nhưng không bao giờ thay đổi trong chúng tôi", ca sĩ tâm sự.

Triển lãm Ấn tượng của Hoàng Lan kéo dài đến hết ngày 22/12, mở cửa tự do. 

Ngân An - Thu Niệm