Đây là dự án và hợp đồng được ký kết giữa Tổng công ty phát triển cao tốc Việt Nam (Chủ đầu tư VEC) và Công ty Cổ phần Tasco (Tasco). 

Công trình nằm trong hợp đồng dịch vụ thu phí ETC 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Nội Bài – Lào Cai và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. 

Cao tốc Pháp Vân  - Ninh Bình hoàn thành thu phí tự động tất cả các làn từ hôm nay (Ảnh: Vũ Điệp)

Đây là một trong những dự án trọng điểm được Chính phủ và Bộ GTVT liên tục đôn đốc, chỉ đạo, giám sát do tính chất quan trọng của các tuyến cao tốc huyết mạch và quy mô lớn trên cả nước.

Việc đưa hệ thống thu phí ETC cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào khai thác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giao thông cửa ngõ phía Nam Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tiện ích cho phương tiện lưu thông, đồng bộ hạ tầng giao thông cả nước, góp phần quan trọng giảm ùn tắc giao thông.

Cùng với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến cũng được đưa vào sử dụng vào các ngày 26 đến 28/7 tới.

Tính đến trước ngày 20/7, cả nước đã thực hiện lắp đặt tổng số 588 làn ETC trong thời gian 7 năm kể từ năm 2015. Trong khi đó, dự án ETC 4 tuyến cao tốc của VEC có quy mô lắp đặt 132 làn ETC, trên 28 trạm thu phí, trải dài 490km của 4 tuyến cao tốc, khắp 3 miền Bắc Trung Nam. 

Để triển khai thu phí không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố (có tuyến đường cao tốc do VEC làm củ đầu tư đi qua) chỉ đạo Sở GTVT, lực lượng CSGT địa phương, Ban An toàn giao thông và các cơ quan chức năng có liên quan hỗ trợ, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, VEC, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong quá trình triển khai chủ trương thu phí không dừng hoàn toàn tại các tuyến cao tốc nêu trên. 

Bộ GTVT cũng đề nghị Cục CSGT hỗ trợ bố trí lực lượng, phối hợp với Tổng cục Đường bộ và các cơ quan đơn vị có liên quan trong công tác điều tiết giao thông, xử phạt các phương tiện vi phạm gây mất an toàn giao thông trong quá trình triển khai. 

Đồng thời giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các nhà đầu tư kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, đồng bộ, kết nối liên thông.