Huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị có 13 xã và 1 thị trấn với 78,6% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn các xã có địa hình đồi núi dốc, thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa bảo đảm.

Đakrông bắt tay vào xây dựng nông thôn mới ở điểm xuất phát thấp, khoảng cách chênh lệch so với các huyện ở đồng bằng khá lớn. Trong đó, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, xuống cấp; trình độ dân trí không đồng đều, phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều tập quán, phong tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất cũng như quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ảnh màn hình 2024 08 14 lúc 10.00.00.png
Huyện miền núi Đakrông có 78,6% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Điển hình như xã Đakrông, dù rất cố gắng mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong số các tiêu chí mà địa phương chưa đạt, có những tiêu chí rất khó để hoàn thành, như tiêu chí số 2, 10, 11 về giao thông, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo.

Ngoài ra, còn nhiều tiêu chí khác cũng khó hoàn thành, như tiêu chí y tế. Địa phương chưa thể về đích do tỷ lệ trẻ em thấp còi còn ở mức cao (26,2%); chương trình triển khai sổ khám chữa bệnh điện tử đạt mức thấp là 10%. 

Không chỉ xã Đakrông, nhiều địa phương khác ở huyện Đakrông cũng đang gặp khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Nguồn vốn đóng góp từ người dân còn hạn chế, do đời sống của bà con còn rất khó khăn. Người dân chủ yếu hiến đất để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi... góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vốn huy động từ các doanh nghiệp thì cũng không đáng kể.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, đối với huyện nghèo Đakrông, việc huy động nguồn lực từ dân là rất khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương, huyện Đakrông cũng đã có xã về đích nông thôn mới.

Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, mới đây, xã Triệu Nguyên đã trở thành đơn vị đầu tiêu của huyện hoàn thành và về đích nông thôn mới. Ngoài ra, còn có một số thôn, bản đang làm hồ sơ thẩm định công nhận về đích nông thôn mới. 

Theo ông Lê Đại Lợi, xác định những khó khăn do xuất phát điểm thấp, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đakông đã huy động nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án. Trước tiên chọn đầu tư xây dựng các trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn, qua đó thúc đẩy phát triển nông - lâm nghiệp - chăn nuôi, từng bước tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống người dân. 

Với cách làm này, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 38,4%. Đặc biệt, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số có mô hình kinh tế cho thu nhập cao, trở thành mô hình điểm được nhiều người dân tìm hiểu, học tập.

Sau hơn 14 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Đakrông đã đạt 141 tiêu chí, bình quân đạt 11,75 tiêu chí/xã. Trong đó, xã Triệu Nguyên đã về đích nông thôn mới và đang hướng tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, trong tổng số 27 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc khu vực II, có 5 thôn đạt từ 10 - 12/14 tiêu chí, 14 thôn đạt từ 8 - 9/14 tiêu chí, các thôn còn lại cũng đã đạt dưới 8 tiêu chí. Hiện nay, 100% số xã có đường ôtô về đến trung tâm, số trường học, trạm y tế đạt chuẩn ngày càng tăng lên.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thiểu số huyện Đakrông phấn đấu đến 2025, đưa xã Triệu Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thêm 2 xã Ba Lòng và Mò Ó về đích nông thôn mới… Nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 41 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 4 - 5%.

Để đạt được kế hoạch đề ra, UBND huyện Đakrông đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã quyết liệt thực hiện, xác định rõ việc từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới chính là cơ sở, là tiền đề để nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Đakrông chỉ đạo các địa phương tiếp tục ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình sinh kế, mô hình điểm để từng bước tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 

Bên cạnh đó, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương đang tranh thủ lồng ghép nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 để thực hiện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.