Khánh thành Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL

Sáng 5/12, tại Lễ khánh thành Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL, Hội thảo đánh giá kết quả hoàn thành hạng mục hạ tầng và hệ thống thông tin cũng được Bộ TN&MT tổ chức nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, đề xuất của doanh nghiệp và ý kiến tham vấn của người dân về việc xây dựng các bộ CSDL vùng nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp tại vựa lúa, vựa cá số một của đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: “Hôm nay, chúng ta đứng ở tòa nhà này, đây là sản phẩm cụ thể của tiểu dự án 4. Cùng với ba dự án trước liên quan đến nước mặt, nước ngầm, sử dụng công nghệ viễn thám quan sát sạt lở bờ sông, bờ biển... Tất cả những nội dung này có thể nói có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL, đảm bảo quốc phòng an ninh. Tôi nhớ lại quá trình xây dựng Trung tâm này cũng như các hợp phần khác rất khó khăn trong công tác lựa chọn vị trí xây dựng, đảm bảo lực chọn vị trí quan trắc được các thông số tốt nhất, không bị các yếu tố tác động làm sai lệch số liệu. Rất cám ơn các đồng chí Lãnh đạo UBND TP. Cần thơ, Sở TN&MT, chính quyền quận Bình Thủy đã hỗ trợ xây dựng tòa nhà hiện đại, khang trang, thân thiện với môi trường”.

z6126511187416_e5ef40089fda0a85588086b94088ce77.jpg
Trạm thông tin giám sát Đất Mũi Cà Mau (chấm đỏ màn hình) là một trong các hạng mục hạ tầng và hệ thống thông tin cũng được Bộ TN&MT đầu tư tại ĐBSCL.

Bảo vệ vựa lúa, vựa cá số một của đất nước

Phát biểu tại buổi lễ, các địa biểu đều cho rằng, ĐBSCL đang chịu những tác động to lớn của biến đổi khí hậu, do đó việc bảo vệ vựa lúa, vựa cá số một của cả nước là nhiệm vụ sống còn và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay của các doanh nghiệp và người dân.

Đồng ý với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng, trong quá trình xây dựng các hệ thống quan trắc, giám sát hay bảo vệ môi trường cho khu vực này cần có tính chất liên tỉnh, liên vùng. Ví dụ về hệ thống CSDL, Bộ TN&MT cần dữ liệu này phải luôn luôn là dữ liệu sống, được bổ sung đầy đủ. Khi có điều kiện sẽ làm dầy, thì số liệu đầu vào phải chính xác và được bổ sung liên tục, cập nhật 24/7. Từ đó, chúng ta sẽ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác giám sát và bảo vệ được tốt hơn.

“Tôi cũng chưa kỳ vọng giai đoạn này Trung tâm Dữ liệu ĐBSCL như chìa khoá vạn năng, có thể giải quyết tất cả những khó khăn, vướng mắc, nhưng tôi tin sẽ giải quyết được cơ bản. Mục tiêu của chúng tôi là Trung tâm Dữ liệu ĐBSCL phải sống và sống khỏe bằng năng lực, bằng dữ liệu đã thu thập được, bằng khả năng cung cấp dịch vụ cho khu vực Nhà nước và cả khu vực tư nhân. Để làm sao chúng ta tiết kiệm thời gian nhất, tiết kiệm chi phí nhất, nhưng lại có tư vấn chính xác nhất cho việc hoạch định, quyết định các công việc liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, của địa phương...”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên kỳ vọng.

Được biết, Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL được khởi công xây dựng năm 2022 và đến nay đã hoàn thiện và chuẩn bị các thủ tục đi vào vận hành... Đây chỉ là một trong nhiều cấu phần của các dự án chống biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống CSDL được ưu tiên đầu tư trước. Khi hạ tầng và hệ thống thông tin Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL được hoàn thiện, việc phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu mới thực sự đi đúng hướng. Bởi, để phát triển ĐBSCL theo cách “thuận thiên” – tức là chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển vùng ĐBSCL cần phải được tính toán khoa học, bài bản và triển khai trên quy mô tổng thể, liên vùng.

Theo đại diện Bộ TN&MT, các dự án lớn của ngành tại ĐBSCL có thể kể đến như: Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Trong đó, tiểu dự án 1 “Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt tại ĐBSCL”; tiểu dự án 2 "Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu"; tiểu dự án 3 “Xây dựng Hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám” và tiểu dự án 4 “Đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu tài nguyên và môi trường của khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu".

Hiện biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Do đó việc cả 4 tiểu dự án này đã hoàn thành góp phần cung cấp dữ liệu trực tuyến trong việc quản lý nước mặt, nước dưới đất, viễn thám và đặc biệt là xây dựng xong Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL phục vụ cung cấp dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong việc điều phối và xử lý các tác động của biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế bền vững cho toàn vùng ĐBSCL.