Hơn 4.000 ha rừng ngập mặn được trồng mới, phục hồi kèm theo đó là các mô hình sinh kế bền vững dưới tán rừng, góp phần giúp người dân chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một trong những kết quả đạt được từ hợp phần 2 của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng cư dân ven biển tại Việt Nam” (dự án GCF) do Quỹ Khí hậu Xanh và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ, được triển khai tại 6 tỉnh ven biển Việt Nam là Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau từ năm 2018.

Đến nay, nhiều khu rừng ngập mặn ven biển đã sinh trưởng tốt, góp phần hấp thụ khí carbon để giảm phát thải khí nhà kính, tạo thành các vùng đệm chắn triều cường và sóng biển dâng. Dưới tán rừng này, nhiều mô hình sinh kế đã được triển khai góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư vùng ven biển.

Tại tỉnh Cà Mau, diện tích rừng trồng mới và phục hồi rừng, dự án đã bàn giao cho chủ rừng từ năm 2018 -2021 là 3.168 ha, trong đó trồng mới là 224,19 ha, phục hồi rừng gần 3000 ha. Đánh giá chất lượng rừng đến thời điểm hiện tại, nhìn chung rừng sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống trên 75%. 

Với việc hỗ trợ mô hình sinh kế, giai đoạn 2019 – 2021, dự án đã hỗ trợ sinh kế mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn cho 978 hộ thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau có tham gia trồng rừng, phục hồi rừng ngập mặn tại 12 xã vùng dự án, hỗ trợ tôm giống, cua giống, thiết bị kiểm tra môi trường ao nuôi và hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản đối với tôm sinh thái…

W-37   Rừng ngập mặn.jpg
Anh Nguyễn Văn Miễn, trú tại ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển đang chăm sóc đàn dê của gia đình.

Đến thăm khu vực rừng ngập mặn được Dự án GCF hỗ trợ từ các năm 2018-2021 tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, thuộc địa bàn xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau mới đây, chúng tôi thấy màu xanh từ nhiều vạt rừng, cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều thay đổi.

Báo cáo tổng hợp dự án GCF trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi giai đoạn 2018-2021 cho thấy: Diện tích trồng mới là 83,47 ha, trồng bổ sung là 46 ha, quản lý bảo vệ rừng là 1.389 ha. Dự án cũng hỗ trợ sinh kế cho 177 hộ bị ảnh hưởng bằng cách tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng; hỗ trợ tôm sú giống 4,367 triệu con; hỗ trợ cua giống 344.100 con; hỗ trợ 176 dụng cụ kiểm tra môi trường nước. 

Được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi giao chăm sóc, quản lý gần 4 ha rừng, được cung cấp con giống tôm, cua thả nuôi từ năm 2018, được tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản kết hợp dưới tán rừng ngập mặn, được cán bộ kiểm lâm, Ban Quản lý rừng thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền cách trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đúng cách, cuộc sống của gia đình anh Đinh Văn Đường, ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông đã đỡ bấp bênh, hàng tháng có thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống. 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đường cho biết, mỗi tháng, gia đình anh thu hoạch tôm 2 lần theo con nước vào mùng 1 và ngày rằm. Bên cạnh thu hoạch từ tôm, anh cũng khai thác thêm cua và các loại thủy sản tự nhiên khác đem lại doanh thu khoảng 6 triệu đồng/ha. 

Trước đây, cuộc sống mưu sinh của những người dân nơi đây chủ yếu nhờ vào khai thác cây rừng, thu bắt các loại thủy, hải sản tự nhiên dưới tán rừng. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến sóng to, gió lớn, sạt lở đất rừng phòng hộ ven biển làm mất đất, mất rừng, nguồn lợi thủy sản tự nhiên cạn kiệt dần khiến cho cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn. 

Từ khi tham gia dự GCF, có thu nhập ổn định, nhiều gia đình đã nhận thức rõ rằng, chăm sóc, bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ nguồn sống của mình.

Anh Nguyễn Văn Miễn cũng trú tại ấp Xưởng Tiện chỉ cho chúng tôi nhìn đàn dê gần 20 con đang mải mê kiếm ăn được gia đình chăm sóc và cho biết, ngoài trồng cây, chăm sóc rừng, nuôi tôm, cua, khai thác thủy hải sản dưới tán rừng ngập mặn, gia đình anh còn chăn thả thêm dê để tăng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm.

Dê rất dễ nuôi vì ăn tạp. Với đặc điểm là vùng đất rừng, có sẵn cây rừng và các loại cây khác, nguồn thức ăn dồi dào nên chăn dê không tốn chi phí. Chính vì thế mà chăn thả dê trên vùng đất mặn là một hướng sản xuất mới cần được nhân rộng trong nhân dân. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Quyền, thành viên giám sát Ban Quản lý Dự án GCF Cà Mau cho biết:  Tham gia mô hình trồng rừng kết hợp nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn, các hộ dân nơi đây được tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, được hướng dẫn trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đúng cách, vì vậy mà hiệu quả kinh tế cao, môi trường được hạn chế ô nhiễm. 

Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án GCF Cà Mau, với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 38 triệu đồng/ha, nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn đạt doanh thu gần 88 triệu đồng/ha, hộ dân thu về lợi nhuận gần 50 triệu đồng/ha.

Những con số trên là minh chứng hiệu quả thiết thực để có thể phổ biến và nhân rộng các kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng ngập mặn cho các chương trình dự án sẽ được thực hiện trong tương lai, đặc biệt là giải pháp trồng bổ sung đa tầng tán nhằm nâng cao chức năng phòng hộ chắn sóng. Hiệu quả từ các mô hình sinh kế mang lại cũng tạo tiền đề để nhân rộng ra nhiều địa phương khác.