Sàn Vỏ Sò đã “giải cứu” gần 9 tấn rau, 100.000 trứng gà và 1.000 con gà

Chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh giải cứu không chỉ trong mùa dịch đã được Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) khởi động từ ngày 2/3 tại Hải Dương.

Không chọn cách “giải cứu” thông thường là hỗ trợ mua hàng hay vận chuyển miễn phí, Viettel Post chọn giải pháp ứng dụng công nghệ số để giúp các hộ nông dân bán nông sản cho người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cũng như hệ thống logistics thông minh.

Trao đổi với ICTnews, ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, mong muốn lớn nhất của Viettel Post là giúp bà con nông dân sản xuất có kế hoạch để không bao giờ rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, không gặp rủi ro trong tiêu thụ hàng khi xảy ra dịch bệnh như hiện nay.

“Bằng cách ứng dụng công nghệ số, chúng tôi hỗ trợ bà con nông dân tìm ra chuỗi phân phối mới để hộ duy trì duy trì được hoạt động sản xuất, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì. Đây là một chương trình dài hạn để phát triển thương mại điện tử, chứ không chỉ là giải cứu. Chúng tôi đã và đang theo đuổi chương trình này hơn 1 năm nay, không phải là kế hoạch mới xây dựng để giải cứu nông sản”, ông Hưng cho biết thêm.

Thực tế, ngoài năng lực mạng lưới chuyển phát sẵn có, cơ sở để Viettel Post có thể triển khai ngay chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh giải cứu còn là bởi đơn vị này đã phát triển sàn thương mại điện tử Vỏ Sò từ giữa năm 2019, có thế mạnh cung cấp các đặc sản vùng miền qua mạng; cũng như việc xây dựng giải pháp cho phép khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đưa lên sàn Vỏ Sò.

Hoạt động hỗ trợ nông dân đưa hàng lên sàn TMĐT sẽ được mở rộng ra nhiều tỉnh
Trong 5 ngày từ 4/3 đến 8/3, tổng số nông sản đã được “giải cứu” qua sàn Vỏ Sò gồm có 100.000 quả trứng gà, hơn 1.000 con gà và 9 tấn rau củ (su hào, bắp cải).

Với Hải Dương, những ngày qua, Viettel Post đã huy động tối đa các nguồn lực với mục tiêu 100% hộ nông dân tại địa phương được hướng dẫn cách thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Cụ thể, đơn vị đã cắt cử cán bộ, nhân viên trực tiếp xuống tận địa bàn hướng dẫn các hộ nông dân cách thức bán hàng, livestream để gia tăng đơn; cách đóng gói vận chuyển nhằm giữ được độ tươi, ngon của nông sản, đồng thời hỗ trợ truyền thông quảng cáo và chi phí vận chuyển hàng.

Bên cạnh đó, hiện nay, mỗi nhân viên bưu tá đều trở thành những đại sứ của chương trình tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, tích cực tham gia giới thiệu về chương trình cho các khách hàng. Qua đó, chương trình được lan tỏa rộng hơn tới người tiêu dùng.

Đến nay, trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã có 7 gian hàng cung cấp các sản phẩm nông sản Hải Dương, trong đó có 6 gian hàng do chính các hợp tác xã, hộ nông dân tự tạo lập và bán.

Các gian hàng nông sản Hải Dương đều đang tập trung cung cấp 5 loại nông sản: gà đồi Chí Linh, trứng gà Cẩm Đông, ổi Thanh Hà, su hào và bắp cải. Đây là những loại nông sản Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương và Viettel Post đã thống nhất đưa lên bán trên sàn Vỏ Sò trong thời gian đầu.

Theo thống kê, tính đến hết ngày 8/3, trên sàn Vỏ Sò đã có hơn 3.600 đơn hàng nông sản Hải Dương được đặt. Trong đó, trên 3.000 đơn đã được giao tới tận tay người tiêu dùng. Tổng số nông sản được “giải cứu” tính đến nay gồm có 100.000 quả trứng gà, hơn 1.000 con gà và 9 tấn rau củ (su hào, bắp cải).

Sẽ mở rộng chiến dịch hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số

Đáng chú ý, trong trao đổi với ICTnews, Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng đã chia sẻ về định hướng mở rộng chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh giải cứu ra các địa phương khác, không chỉ với Hải Dương.

“Chúng tôi nhận định việc triển khai chương trình ở Hải Dương chỉ là khởi đầu, là cơ hội để Viettel Post kiểm chứng thêm về quy trình hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Quy trình này sẽ được sẽ triển khai mở rộng, áp dụng trên toàn quốc trong thời gian tới”, ông Hưng cho hay.

Hoạt động hỗ trợ nông dân đưa hàng lên sàn TMĐT sẽ được mở rộng ra nhiều tỉnh
Hoạt động hỗ trợ nông dân đưa hàng lên sàn TMĐT sẽ được Viettel Post tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.

Nhận định về tính khả thi của việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, lãnh đạo Viettel Post cho rằng, mức độ khả thi là có nhưng phải cần rất nhiều yếu tố đảm bảo.

Cụ thể, đối với người tiêu dùng, ai cũng mong muốn được sử dụng những hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt. Nếu như các sàn thương mại điện tử chỉ cung cấp những hàng hóa thông thường, có thể dễ dàng mua ở bất cứ đâu sẽ rất khó thuyết phục người tiêu dùng.

Bởi lẽ, người tiêu dùng sẽ không chấp nhận bỏ ra nhiều tiền để mua những mặt hàng mà họ không nhận thấy sự khác biệt rõ rệt so với hàng hóa họ thường mua. Vì vậy, các sàn thương mại điện tử cần lựa chọn rất kỹ lưỡng các sản phẩm cung cấp, phải là những nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP hoặc VietGap.

“Ngược lại, với bà con nông dân, chúng ta cũng cần làm công tác tư tưởng để bà con hiểu rằng không phải cứ sản xuất nhiều hàng hóa sẽ thu về nhiều lợi nhuận mà còn phải phụ thuộc vào chi phí và giá thành. Nếu sản xuất ồ ạt rất dễ bị rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, đại diện Viettel Post nêu quan điểm.

Trên thực tế, ghi nhận ý kiến từ các chủ trang trại, hợp tác xã và hộ nông dân Hải Dương, họ đều bày tỏ mong muốn kênh tiêu thụ hàng hóa mới – bán hàng trên sàn thương mại điện tử sẽ được duy trì lâu dài, không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa ổn định cho nông dân mà còn để bình ổn giá cả, thoát cảnh bị thương lái ép giá những lúc được mùa.

M.T

Mua nông sản chất lượng với phí vận chuyển 0 đồng

Mua nông sản chất lượng với phí vận chuyển 0 đồng

Trên sàn Thương mại điện tử Bưu điện Việt Nam Postmart.vn, toàn bộ nông sản đều được miễn phí vận chuyển trên toàn quốc với mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ nông sản Hải Dương và thúc đẩy các hệ thống vận chuyển thông minh phát triển.