- Chọn học nghề làm con đường cho mình, mỗi ngày thức dậy Trang được làm công việc mình yêu thích, thu nhập trung bình vài chục triệu/ tháng và không thiếu những ước mơ lớn để phát triển bản thân.
Nhữ Thị Trang - sinh năm 1995 - từng học ngành Chăm sóc sắc đẹp ở Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Tốt nghiệp trường nghề chưa đầy một năm, Nhữ Thị Trang – cô gái sinh năm 1995 – đã làm được nhiều việc mà không mấy người trẻ 23 tuổi dám nghĩ tới. Thu nhập của em hiện tại là vài chục triệu mỗi tháng tới từ các nguồn: đi dạy, làm nghề, bán các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, tốt nghiệp cấp 3, em thích ngành y nhưng tự lượng sức mình không thể đỗ được những trường y tốt nhất, Trang chuyển sang một ngành có liên quan tới chăm sóc sức khỏe.
Từ Đắk Lắk, em chọn ra Hà Nội học vì Trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội là trường đầu tiên mở mã ngành Chăm sóc sắc đẹp.
“Trong ngành Chăm sóc sắc đẹp có nhiều chuyên ngành khác nhau. Chuyên ngành của em là Chăm sóc da, nhưng qua thực tế công việc, bây giờ em có thể làm được cả ‘nail’ (móng), mi…” – Trang nói.
Từ năm thứ nhất, nữ sinh năng động đã vừa đi học vừa đi làm ở chính ngành nghề mình được đào tạo. Đi làm thêm giúp em vừa để có kinh nghiệm thực tiễn vừa kiếm thêm nhu nhập phụ giúp gia đình. Buổi sáng em đi học, buổi chiều đi làm đủ 8 tiếng, đến 10 giờ tối mới nghỉ. Thu nhập từ đi làm thêm của em ngày ấy đã được 5 triệu/ tháng.
Chính vì thế, đến năm thứ 3, Trang đã bắt tay vào khởi nghiệp. Từ số tiền tiết kiệm trong những năm vừa học vừa làm, cộng với xin bố mẹ cho mượn sổ đỏ để vay tiền ngân hàng, em dùng vốn để mở 1 spa ở Hà Nội, 1 spa và 1 salon tóc ở Bắc Ninh với quy mô nhỏ.
“Salon tóc ở Bắc Ninh vẫn đang hoạt động tốt. Hai spa hoạt động không tốt lắm, vì năm ngoái em dành quá nhiều thời gian để đi dạy, lơ là quản lý. Nhiều khi giao cho nhân viên làm nhưng các bạn làm không như ý mình, nên năm nay em quyết định đóng cửa spa ở Bắc Ninh để tập trung vào spa ở Hà Nội” – Trang chia sẻ.
Mặc dù, không phải mọi thứ em làm đều thành công ngay nhưng Trang hài lòng với những trải nghiệm của mình và tiếp tục có sự chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo.
Hiện tại, thu nhập chính của em tới từ việc đi dạy ở Trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic, Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội và đi dạy ở các spa. Sắp tới, em ký thêm hợp đồng với Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, với các mối quan hệ của mình trong nghề, Trang còn nhận cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho các spa, thẩm mỹ viện.
Vào học 43 bạn, tốt nghiệp chỉ còn 7
Trang đạt Chứng chỉ nghề xuất sắc trong Cuộc thi tay nghề ASEAN 2016. Ảnh: NVCC |
Trang nói, nghề của em chủ yếu mọi người học theo dạng truyền nghề khoảng vài tháng là đã có thể đi làm kiếm tiền. Chính vì thế, khóa em học có 43 bạn vào học thì chỉ có 7 người ra trường. Còn lại, các bạn bỏ giữa chừng để đi làm luôn vì cảm thấy không theo được nghề, hoặc thấy phí thời gian, tốn tiền bạc để học tới 3 năm.
Tuy nhiên, cơ hội và tương lai của những bạn học hành tới nơi tới chốn, có bằng chính quy vẫn khác những người chỉ học truyền nghề, em khẳng định.
Bản thân Trang sau khi nhận được bằng tốt nghiệp chính quy, cộng với Chứng chỉ nghề xuất sắc ngành Chăm sóc sắc đẹp trong Cuộc thi tay nghề ASEAN 2016, cơ hội việc làm của em có thể nói là khá tốt.
“Các trường bây giờ nắm bắt nhu cầu thị trường, đã bắt đầu mở mã ngành này. Kể cả ở các trung tâm dạy nghề, thẩm mỹ viện cũng có nhu cầu lớn. Nên những bạn có bằng tốt nghiệp chính quy từ trường như em được mời đến dạy. Nhiều chỗ em phải từ chối vì không sắp xếp được lịch”.
“7 bạn tốt nghiệp cùng với em bây giờ đều có công việc tốt. Một bạn đi du học ở Hàn Quốc về ngành Chăm sóc sắc đẹp, 2 bạn làm giáo viên, 2 bạn đang làm quản lý spa. Nhìn chung, nghề này nếu có bằng cấp thì rất dễ xin việc. Những bạn có bằng cấp, nếu không muốn làm chủ, đi làm thuê thu nhập cũng được 8-10 triệu/ tháng”.
Khi được hỏi, em mất tới 3 năm để học nghề, em học được nhiều hơn các bạn học truyền nghề những gì, Trang chia sẻ, “những kiến thức và thực hành trong trường giúp em nắm được quy chuẩn làm nghề”.
“Một quốc gia phát triển về ngành chăm sóc sắc đẹp như Hàn Quốc, họ có những bộ quy chuẩn. Còn ở Việt Nam, các spa, thẩm mỹ viện hiện đang làm rất lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp, mỗi chỗ làm một kiểu và khách hàng là người gánh chịu rủi ro”.
Khi học trong trường, mặc dù thực hành là 70%, lý thuyết chỉ 30% nhưng khi so sánh những nội dung được học trong trường với thực tiễn công việc, em vẫn cho rằng, kiến thức trong trường thường bị hạn chế theo giáo trình, muốn áp dụng được tốt trong thực tiễn cần phải mày mò, nghiên cứu và thực sự tận tâm với những khách hàng của mình.
Vượt qua cám dỗ và kỳ thị để làm nghề tử tế
Trang chấm thi trong Cuộc thi tay nghề quốc gia do Hội Liên hiệp ngành Làm đẹp Việt Nam tổ chức. Ảnh: NVCC |
“Ngày ra Hà Nội học, dân làng ở quê nghe nói đi học nghề spa, họ cũng chẳng biết spa là gì, chỉ thấy học cái gì liên quan đến gội đầu, cắt tóc là xì xào, đồn thổi em làm nghề không đứng đắn. Ngày đó em rất bị áp lực. Bây giờ ở quê em cũng nhiều người ra ngoài này học nghề như em, nhưng mọi người học vì thấy kiếm được nhiều tiền, mà không yêu nghề, thích nghề thì học xong rồi lại về”.
Trong quá trình học, em cũng nhận được nhiều lời rủ rê đi làm ở quán karaoke lương 15 triệu/ tháng, nhưng em nghĩ, chỉ ngồi gọt hoa quả, bê nước cho khách mà lương 15 triệu/ tháng thì khó tin. Rồi bạn bè rủ em đi làm thêm trái ngành nghề, em cũng đều từ chối. Em quyết tâm làm đúng ngành nghề của mình dù lương thấp hơn để lấy kinh nghiệm.
“Lúc mới đi làm, em làm cho một spa ở Ngã Tư Sở, nói là chuyên dùng sản phẩm của Nhật. Nhưng sau đó em tìm hiểu mới biết toàn là sản phẩm của Trung Quốc. “Em cũng làm việc cật lực và cống hiến hết sức mình, được thăng chức quản lý, lương 12-15 triệu/ tháng. Nhưng sau đó em xin nghỉ việc khi chứng kiến da của khách hàng ngày càng mỏng hơn mà em không thể làm gì được để phục hồi cho khách, bởi vì cả spa không có sản phẩm nào khác”.
Ước mơ của Trang là được sang Hàn Quốc học thạc sĩ chuyên ngành Chăm sóc sắc đẹp. Ảnh: NVCC |
Trò chuyện với Trang có thể cảm nhận được ở em sự trăn trở về nghề của mình. Khát khao của em là một ngày nào đó, các spa, thẩm mỹ viện của Việt Nam được chuyên nghiệp, an toàn như Hàn Quốc.
Em kể, nghề của mình hiện tại ở Việt Nam thật giả lẫn lộn và chỉ phụ thuộc vào cái tâm của người bán hàng, người cung cấp dịch vụ.
Là người phân phối các dòng mỹ phẩm, em tâm sự, có những đầu mối bên Trung Quốc sẵn sàng in nhãn mác riêng cho spa. Trong đó, có những sản phẩm gây hại cho sức khỏe nhưng không phát tác ngay.
Trang cũng trăn trở về vấn đề quy chuẩn vệ sinh, an toàn trong nghề của mình. Ngay cả khi em đi thi tay nghề ASEAN, các thầy cô dạy em cũng không nói đến khâu vệ sinh hoặc chỉ lướt qua. Trong khi các quốc gia khác họ ăn điểm ở khâu đó. Và thực tế ở các spa của Việt Nam cũng tư duy như vậy.
Vì thế, mong muốn lớn nhất của Trang là được đi dạy để truyền đạt cho các em những kiến thức đúng, những quy trình đảm bảo vệ sinh, an toàn. “Khi đi dạy, em được truyền thụ lại những kinh nghiệm và kiến thức mình đã được học. Mong muốn của em là sau này các spa sẽ làm đúng theo quy chuẩn để ngành nghề này ở Việt Nam nhanh được hoàn thiện”.
Trang chia sẻ về kế hoạch lớn hơn của mình: "Em muốn đi học thạc sĩ ở Hàn Quốc. Ngành này đang có xu hướng phát triển rất tốt. Em muốn đón đầu xu thế, để sau này khi Việt Nam mở mã ngành Chăm sóc sắc đẹp ở bậc đại học, em muốn quay về dạy ở Việt Nam”.
Ước mơ xa hơn của cô gái 23 tuổi là sở hữu một chuỗi hệ thống chăm sóc sắc đẹp của riêng mình trong vòng 5-10 năm nữa.
Em nói, nếu mình đam mê, học nghề cũng là một con đường tốt. Học mà không có đam mê và mục đích thì rất khó học.
"Ví dụ như ngày xưa em không thích học tiếng Anh, điểm môn tiếng Anh của em luôn kéo điểm tổng kết xuống. Bây giờ đi làm, thấy mọi người người nói tiếng Anh sao mà đơn giản thế, đáng yêu thế, lúc đó mình mới thấy thích và có động lực để quyết tâm đi học".
Nguyễn Thảo
Trường dạy nghề không cần phải học tập trung
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư Quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
5 trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật đề xuất về Tổng cục dạy nghề
5 trường ĐH sư phạm kỹ thuật gồm ĐH SPKT Hưng Yên, ĐH SPKT Vinh, ĐH SPKT Vĩnh Long, ĐH SPKT Nam Định và ĐH SPKT TP.HCM đề xuất được trực thuộc Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ- TB và XH).
Trung tâm dạy nghề gần 38 tỷ đồng mới sử dụng đã xuống cấp
Trung tâm dạy nghề huyện Mường Lát Được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 37,5 tỷ đồng, những mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Chính phủ giao Bộ Lao động quản lý dạy nghề
Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ thống nhất giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý dạy nghề.
Sai lầm dẫn đến lãng phí tiền tỷ trong dạy nghề
Vừa qua Bộ GD-ĐT chính thức gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng chính phủ giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ GD-ĐT - TS Hoàng Minh Tuấn đã có bài viết phân tích...