Kinh tế vốn là nhóm ngành thu hút nhiều thí sinh đăng kí, điểm chuẩn thậm chí còn cao hơn các nhóm ngành Y Dược,  ngành “hot” thuộc khối công an, quân đội. Điểm chuẩn tại các trường luôn ở mức cao nhất cả nước.

Danh sách các trường đại học nổi tiếng về đào tạo nhóm ngành Kinh tế từ Bắc vào Nam:

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Trường ĐH Ngoại thương

Trường ĐH Thương mại

Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội

Học viện Tài chính

Trường ĐH Kinh tế Tp. HCM

Trường ĐH Kinh tế - Luật TP. HCM

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU)

Năm 2021, ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành học có điểm chuẩn cao nhất, lên tới 28,3 điểm (thang điểm 30) xét 4 tổ hợp môn là A00; A01; D01; D07. Đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất vào trường vào năm 2020 (điểm chuẩn là 28 điểm).

Xếp sau đó là ngành Kinh doanh quốc tế với mức điểm chuẩn 28,25 và Marketing với mức điểm chuẩn 28,15. Mức điểm chuẩn thấp nhất của trường năm 2021 là 26,85 điểm của ngành Quản lý công và Chính sách (E- PMP).

Năm 2022, trường dự kiến tuyển 6100 chỉ tiêu và 2 phương án Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Xét tuyển kết hợp theo Đề án tuyển sinh chiếm 80-85%. Trong khi đó, Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chỉ chiếm 10-15%. 

Năm 2022, học phí chương trình tiêu chuẩn học phí của ĐH Kinh tế Quốc dân là khoảng 16 - 20 triệu đồng/năm, chương trình đặc thù 45 - 65 triệu/năm.

Trường ĐH Ngoại thương (3 cơ sở) (FTU)

Năm 2021, điểm chuẩn vào các ngành/ chuyên ngành đào tạo của Trường ĐH Ngoại thương dao động từ 24 - 28,8 đối với 3 cơ sở đào tạo. Theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành Kinh tế đối ngoại cơ sở Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất với 28,8 điểm.

Năm nay, Trường Trường Đại học Ngoại thương mở thêm 3 chương trình bao gồm: Marketing số: ứng dụng mô hình thực chiến FDMAP trong đào tạo; Truyền thông Marketing tích hợp (Ngành Marketing): ứng dụng mô hình tích hợp đa chiều FIMC; Kinh doanh số (Ngành Kinh doanh quốc tế): ứng dụng mô hình dự án sáng tạo số DBIZ. 

Mức học phí của ĐH Ngoại thương năm 2022 dao động trong khoảng từ 22 - 65 triệu đồng/năm tùy thuộc vào chương trình đào tạo.

Trường ĐH Thương mại (TMU)

Nhiều ngành học của Trường ĐH Thương mại có mức điểm chuẩn vượt trên 27 điểm, như: Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử. Các ngành đều xét theo tổ hợp A00; A01; D01; D07.

Chuyên ngành Marketing thương mại thuộc ngành Marketing có điểm chuẩn cao nhất lên đến 27,45 điểm. Hai ngành có mức điểm chuẩn thấp nhất là Quản trị khách sạn và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cũng lên đến 25,8 điểm.

Năm nay trường dự kiến tuyển 4.150 chỉ tiêu và mở thêm 2 phương thức xét tuyển mới là: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2022 và Xét tuyển kết quả học tập bậc THPT (học bạ) đối với thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên toàn quốc hoặc học sinh các trường THPT trọng điểm quốc gia, có điểm trung bình học tập 3 năm học THPT đạt từ 8.5 trở lên.

Dự kiến, mức học phí chuẩn năm 2022 của ĐH Thương mại chương trình chuẩn là 23 -25 triệu/năm và từ 31,25 - 33,495 triệu/năm đối với chương trình chất lượng cao.

Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (UEB)

Các ngành của trường đều tính trên thang điểm 40, trong đó Tiếng Anh nhân hệ số 2. Năm 2021, Ngành Kinh tế Quốc tế (chương trình đào tạo chất lượng cao) có điểm chuẩn cao nhất với 36,53 điểm. Xếp sau đó là ngành Quản trị kinh doanh (chương trình đào tạo chất lượng cao) với 36,2 điểm.

Năm 2022, trường vẫn giành hơn 60% chỉ tiêu cho điểm thi TN THPT và tăng học phí cho các năm học tiếp theo.  Mức thu cho năm học 2022-2023 tương đương 42 triệu đồng so với mức 35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021.

Học viện Tài chính (AOF)

Năm 2021, các ngành của trường có điểm chuẩn không dưới 26. Trong đó, ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh của trường có mức điểm chuẩn cao nhất, lần lượt là 26,95 (khối D01) và 26,7 (khối D01). Theo sau là các ngành Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế. Đối với thang điểm 40, Hải quan & Logistics và Tài chính doanh nghiệp có mức điểm chuẩn cao nhất, lần lượt là 36,2 và 35,7.

Học phí đối với chương trình chuẩn năm 2021 là 15 triệu đồng/sinh viên/năm học; từ năm học 2022 - 2023 học phí sẽ được điều chỉnh theo quy định hiện hành của Nhà nước nhưng không vượt quá 10%/1 năm học). Chương trình chất lượng cao là 45 triệu đồng/sinh viên/năm học.

Trường ĐH Kinh tế TP. HCM (UEH)

Năm 2021, tại trụ sở Tp. HCM của trường, ngành Marketing (chương trình chuẩn và chất lượng cao) và Kinh doanh quốc tế (cử nhân tài năng) có đầu vào cao nhất 27,5. So với năm 2020, điểm chuẩn năm nay của Đại học Kinh tế TP HCM biến động không đáng kể, trừ ngành Thương mại điện tử và Bảo hiểm tăng 3 điểm. Những ngành có điểm chuẩn ở mức trên 27 gồm: Marketing, Kinh doanh quốc tế, Kinh doanh thương mại, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Tài chính quốc tế, Ngôn ngữ Anh.

Năm 2022, UEH tăng chỉ tiêu lên 10% so với năm 2021. Đối với Cơ sở đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh (KSA), UEH tuyển sinh 6.550 chỉ tiêu và mở 3 ngành mới là Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện, Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế ICAEW CFAB plus.

Mức học phí của ĐH Kinh tế TP. HCM năm 2022 đối với hệ tiêu chuẩn là 830 nghìn đồng/tín chỉ. Đối với hệ Chất lượng cao đào tạo bằng tiếng Việt là 1,14 triệu/tín chỉ và đào tạo bằng tiếng Anh là 1,596 triệu/tín chỉ.

Trường ĐH Kinh tế - Luật TP. HCM (UEL)

Năm 2021, điểm trúng tuyển vào trường là 26,2 điểm. Trong đó, điểm trung bình trúng tuyển khối ngành Kinh tế là 26,25 điểm, khối ngành Kinh doanh quản lý là 26,68 điểm và khối ngành Luật là 26,26 điểm.

Điểm trúng tuyển cao nhất là 27,65 điểm đối với chương trình Kinh doanh quốc tế (Khoa Kinh tế đối ngoại).

Năm 2021, mức học phí của trường cho hệ đào tạo chuẩn là: 18,5 triệu đồng/năm học và 20,5 triệu đồng/năm học đối với các ngành: Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại), Kinh doanh quốc tế, Marketing, Thương mại điện tử. Mức thu đối với CLC tiếng Anh là 46,3 triệu đồng/năm học. Học phí năm 2022-2023 sẽ được điều chỉnh không quá 10% so với quy định.

Doãn Hùng