Ngay khi năm học mới bắt đầu cũng là lúc không ít phụ huynh thêm nỗi lo con ăn phải đồ ăn "bẩn" khi xung quanh các trường học tái diễn tình trạng nhiều hàng quán bán các loại quà vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ cho học sinh.

Đặc biệt trong vài ngày qua, các trường hợp học sinh ngộ độc vì ăn quà vặt dồn dập xảy ra.

11 học sinh Hà Nội đau đầu vì ăn túi kẹo có vỏ màu xanh

Khoảng 13h40 ngày 29/11, Phòng Y tế Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tiếp nhận 11 học sinh - gồm 10 học sinh lớp 6 và 1 học sinh lớp 7 - có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn.

367672622 1172060120418178 5248860163006748088 n.jpg

Đây là các học sinh không ăn bán trú, không ngủ trưa ở trường. Những học sinh này cho biết trên đường đến trường, các em mua loại kẹo không rõ nguồn gốc (vỏ bao kẹo màu xanh, chữ nước ngoài) và chia cho nhau ăn. Sau khi ăn khoảng 45 phút, các em có dấu hiệu mệt, đau đầu, buồn nôn.

Sau khi được khám và chăm sóc, sức khỏe của các em đã ổn định. 

Ăn kẹo lạ, hàng chục học sinh Quảng Ninh phải vào trung tâm y tế

Trước đó vài ngày, ngày 25/11, có 126 học sinh của Trường THCS Thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) - chủ yếu khối 8 và 9 - đã sử dụng loại kẹo vỏ màu xanh biển, nhãn mác Haiyan cùng dòng chữ nước ngoài.

Trong số này, 5 học sinh xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở, tê môi. Các em được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn theo dõi, điều trị. Đến 16h cùng ngày, cả 5 học sinh trên đã được xuất viện và tiếp tục theo dõi tại nhà.

Đến ngày 27/11, nhiều học sinh của Trường THCS & THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu) mua kẹo ở cổng trường để ăn, đến tối cùng ngày xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn. Tổng cộng có 29 học sinh có triệu chứng trên, trong đó, 27 em lớp 6 và 2 học sinh lớp 8.

Ngay sau đó, Sở GD-ĐT Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh việc tuyên truyền phụ huynh quán triệt học sinh không mua đồ ăn vặt không có nguồn gốc xuất xứ. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường nếu bày bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh phát hiện các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không nguồn gốc, báo ngay cho chính quyền địa phương...

quang ninh.jpg
Loại kẹo khiến nhiều học sinh phải nhập viện với triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở, tê môi (Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn)

Còn nếu tính từ đầu năm 2023, cũng đã có hàng trăm học sinh trên cả nước bị ngộ độc từ đồ ăn vặt mua ngoài cổng trường.

Ăn kẹo bán ở cổng trường, 10 học sinh lớp 4 ở Quảng Trị nhập viện

Sáng ngày 10/3, có 10 em học sinh Trường TH&THCS ở khu phố 6, phường 3, TP Đông Hà, Quảng Trị đồng loạt bị đau bụng, nôn mửa và đau đầu.

10 em học sinh có biểu hiện nêu trên được bạn cho kẹo đồ chơi trên nhãn có ghi tên Weird Dj show được mua tại quầy kinh doanh tạp hóa gần trường. Vào giờ ra chơi, các em học sinh này đã mở ra ăn và ngậm thổi chúng, sau đó có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và đau đầu nhưng không báo cho giáo viên lớp học. Đến sau giờ ăn trưa, các biểu hiện này càng lúc càng nặng, giáo viên phát hiện sự việc nên đã liên hệ phụ huynh đến đón để đưa các cháu đi khám cấp cứu, điều trị.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Trị, loại kẹo nói trên gồm những viên nhỏ như hạt đậu xanh đựng trong gói, bỏ trong ống nhựa. Học sinh mua kẹo này tại quầy tạp hóa gần trường. Dựa vào những biểu hiện của các cháu (đau bụng, buồn nôn, nôn và đau đầu…) cũng như thời gian xuất hiện các biểu hiện, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị kết luận nguyên nhân ngộ độc là do các cháu đã ngậm và thổi loại kẹo không rõ nguồn gốc nói trên.

Uống nước ngọt, ăn kẹo bánh phát miễn phí, 2 học sinh Đà Lạt đau bụng

Khoảng 6h sáng ngày 28/3, một nhóm người dùng xe ô tô nhỏ phát nước ngọt, kẹo, bánh miễn phí cho học sinh trước cổng Trường THCS Nguyễn Du, TP Đà lạt.

Lãnh đạo nhà trường sau đó xác nhận đã có 2 nữ sinh ăn bánh kẹo, nước ngọt được phát miễn phí và có các triệu chứng đau bụng. Trường THCS Nguyễn Du đã báo cáo vụ việc lên Phòng GD-ĐT cũng như Công an Phường 2, Công an TP Đà Lạt để nắm bắt, xác minh thông tin. 

Kết quả xác minh cho thấy ngày 27 và 28/3, một nhân viên của Công ty Cổ phần Dịch vụ Quảng cáo - Thương mại Bầu Trời Xanh  thuê 4 người và một ô tô 16 chỗ để đi quảng bá tiếp thị sản phẩm, đã phát nhiều nước uống, bánh, kẹo tại 6 điểm trên địa bàn TP Đà Lạt, trong đó có Trường THCS Nguyễn Du.

Giữa tháng 4/2023, UBND TP Đà Lạt vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng đối với công ty nói trên (có trụ sở chính ở TP.HCM) do thực hiện hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng: Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân.

Chia nhau gói kẹo, 9 học sinh Bình Phước bị tiêu chảy

Trưa ngày 27/4, Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước nhận cấp cứu, chăm sóc cho 9 học sinh Trường Tiểu học Tân Thành (xã Tân Thành) nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Trước đó, khoảng 9h cùng ngày, một số học sinh lớp 4/2 Trường Tiểu học Tân Thành mua một gói kẹo ở ngoài cổng trường, sau đó đưa cho 18 bạn cùng ăn. Sau khi ăn xong, trong giờ học, 9 em có dấu hiệu đau bụng, đau đầu, nôn ói. Ngay sau đó, các em đã được nhà trường đưa đi cấp cứu.

Theo trình bày của học sinh, tất cả các em đều ăn chung một loại "kẹo vị ổi" được mua trước cổng trường. Theo các bác sỹ Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài, thời điểm nhập viện, các em có triệu chứng như sốt, đau bụng, buồn nôn, ói, đi cầu dạng tiêu chảy.

55 học sinh Cao Bằng bị ngộ độc do ăn kẹo, uống nước ngọt không rõ xuất xứ

Theo Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, khoảng 19h ngày 21/9, có 8 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Cốc Pàng (xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc) xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, được đưa đến Trạm Y tế xã để khám và điều trị.

Trước đó, các em đã ra cổng trường mua nước ngọt đóng chai dung tích 245ml không rõ nguồn gốc (nhãn vỏ chai có ghi chữ Trung Quốc) về uống sau uống khoảng 20 phút các em có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn kèm theo tiêu chảy. 

Sáng ngày 22/9 có 22 em tiếp tục ra cổng trường mua loại nước ngọt như trên về uống, sau uống khi uống các em này đều xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn kèm theo tiêu chảy và được đưa đến Trạm Y tế xã Cốc Pàng khám và điều trị, trong đó có 6 em có biểu hiện nặng phải đưa lên Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc điều trị.

Trước đó, khoảng 9hh15 ngày 7/9, vào giờ nghỉ giải lao, 25 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 ra cổng trường mua thạch si rô dừa và kẹo ngậm hương vị sữa chua về ăn. Đến khoảng 10h20 cùng ngày, các học sinh trên có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, mệt mỏi. Cô giáo đã thông báo cho Ban Giám hiệu nhà trường và các bậc phụ huynh đưa các em đến Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang để thăm khám.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Đoàn công tác liên ngành huyện Hạ Lang đã lấy mẫu sản phẩm kẹo, nước đóng gói, gửi ngành chức năng liên quan thực hiện xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân.

Mới đây nhất, sáng ngày 30/11, các trang mạng xã hội lan truyền thông tin về các gói kẹo được bày bán trước cổng các trường học trên địa bàn TP Lạng Sơn (Lạng Sơn) gây ngộ độc cho một số học sinh ăn phải, nghi có chứa chất ma túy.

“Thu giữ hàng trăm gói kẹo trẻ em có chứa chất ma túy bán ngay cổng trường tiểu học tại Lạng Sơn. Công an Lạng Sơn vừa thu giữ nhiều gói đồ ăn vặt sắc màu như trong ảnh. Những gói này được bày bán trước các cổng trường cấp 1, cấp 2 tại TP Lạng Sơn với giá từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng. Test nhanh tất cả những gói này đều dương tính với ma túy. Người bán khai là không biết gì cả” - thông tin lan truyền trên facebook. Đi kèm thông tin là hình ảnh loại kẹo có màu sắc bắt mắt, nhiều chữ nước ngoài.

Sáng 1/12, lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị đã có kết quả giám định những mẫu kẹo được bán trước cổng trường học trên địa bàn. Kết quả xác định những mẫu kẹo này không chứa chất ma tuý. Tuy nhiên, đây là những loại kẹo trôi nổi trên thị trường, không có nguồn gốc xuất xứ. Công an tỉnh Lạng Sơn thông tin để quần chúng nhân dân nắm được và quản lý không để các cháu sử dụng những thực phẩm trôi nổi này, có nguy cơ rất cao về an toàn thực phẩm, ảnh hướng đến sức khỏe học sinh.

Tổng hợp