Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2004, hội chợ thường niên CAEXPO đã trở thành một nền tảng hợp tác quan trọng giữa Trung Quốc - ASEAN và đóng vai trò tích cực trong hội nhập kinh tế khu vực.

Một máy bay chở khách của hãng hàng không Trung Quốc China Southern in hình quảng cáo cho Hội chợ CAEXPO 2023. Ảnh: VCG

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các quan chức Trung Quốc cho biết, sự kiện năm nay sẽ diễn ra tại thành phố Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây, miền nam nước này từ ngày 16 – 19/9, với quy mô tăng trở lại như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Đối với Trung Quốc, CAEXPO lần thứ 20 có ý nghĩa to lớn vì năm nay đánh dấu 10 năm triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do nước này đề xuất, trong đó ASEAN đóng vai trò đối với sự phát triển của sáng kiến này. Năm 2023 cũng kỷ niệm 10 năm xây dựng “Cộng đồng ASEAN - Trung Quốc gần gũi, chung vận mệnh tương lai”. 

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Li Fei, hội chợ năm nay có chủ đề “Xây dựng quê hương hòa hợp, vận mệnh chung cho tương lai - thúc đẩy sự phát triển BRI chất lượng cao và kiến tạo trung tâm tăng trưởng kinh tế”. 

Phó tỉnh trưởng Quảng Tây Sui Guohua cho biết, gần 1.700 doanh nghiệp đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các công ty trong danh sách "Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới” (Fortune Global 500) do tạp chí kinh tế Fortune bình chọn, dự kiến sẽ tham gia hội chợ. Khu triển lãm dành cho các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 30% tổng diện tích.

Trong khuôn khổ sự kiện, hơn 70 hội nghị và hoạt động xúc tiến đầu tư cũng sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc - ASEAN, đồng thời tạo động lực mới cho sự phục hồi kinh tế khu vực và phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên hậu Covid. Các quan chức Trung Quốc dự đoán, nhờ đó, những hợp đồng dự án trị giá hơn 400 tỷ nhân dân tệ (54,88 tỷ USD) sẽ được ký kết, với hơn 40% là các dự án sản xuất.

Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 19. Ảnh: moit.gov.vn

Theo Tân Hoa xã, CAEXPO 2023 cũng đánh dấu hội chợ lần thứ 2 kể từ khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu năm 2022. Trước đó, Trung Quốc - ASEAN năm 2021 đã nâng tầm quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Việc thực thi RCEP cũng như mức độ mở cửa của hệ thống kinh tế - đầu tư giữa hai bên thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA đã khiến quy mô thương mại ngày càng lớn mạnh.

Thứ trưởng Li Fei thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN vào năm 2022 đạt 975,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước đó và gấp 2,2 lần mức ghi nhận cách đây một thập niên. Tính tháng 7 năm nay, tổng vốn đầu tư giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã vượt quá 380 tỷ USD, với hơn 6.500 công ty được thành lập tại ASEAN có vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc. 

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đầy biến động phức tạp, hai bên đang tích cực đàm phán phiên bản FTA Trung Quốc - ASEAN 3.0, mở ra triển vọng đưa quan hệ kinh tế - thương mại song phương lên tầm cao mới, thúc đẩy hợp tác có lợi trong nhiều lĩnh vực mới nổi như nền kinh tế kỹ thuật số, nền kinh tế xanh, kết nối chuỗi cung ứng và trí tuệ nhân tạo.