Một số chuyên gia châu Á cho rằng hiện tượng này - thường bị coi là hoang đường - có tính nghiêm trọng và có thể khiến nạn nhân tự tử. Những cột mốc như sinh nhật lần thứ 40 và 50 mang theo gánh nặng lớn nhất.
Các bác sĩ tâm thần Đài Loan lấy bằng chứng là câu chuyện của một người đàn ông 60 tuổi đã kết hôn. Theo Daily Mail, người kỹ sư ô tô buộc phải rời bỏ công việc yêu thích khi 50 tuổi do bị đau lưng không thể chữa khỏi.
Người đàn ông sống nội tâm và dần bị trầm cảm. Lần tự tử đầu tiên của ông là vào sinh nhật lần thứ 52. Theo thông tin trên Psychiatry Research Case Reports, người trên lại tự tử khi tròn 58 tuổi.
Ông đã lên kế hoạch cho cái chết của chính mình và viết thư tuyệt mệnh. Con trai ông, một sinh viên đại học, đã phát hiện ra lá thư.
Người đàn ông được chăm sóc tại Bệnh viện Đại học Cheng Kung, nói với các bác sĩ: “Dù thế nào, tôi cũng muốn chết vào sinh nhật của mình”. Người đàn ông đã được áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức, cho uống thuốc…
Theo tác giả chính Chih-Yu Chang và nhóm nghiên cứu, bệnh nhân đã “tụt xuống đáy vực” vào sinh nhật: “Hôm đó, ông ấy nằm cuộn tròn trên giường, run rẩy, từ chối gặp gỡ hay nói chuyện với bất kỳ ai”.
Nhưng ngày hôm sau, sức khỏe bệnh nhân đã được cải thiện. Ông thậm chí còn cảm ơn các nhân viên y tế vì đã đưa mình thoát khỏi “cánh cửa tử thần”.
Khái niệm hội chứng “nỗi buồn sinh nhật” gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, các trang web tư vấn trực tuyến khẳng định trạng thái tinh thần này rất phổ biến và có thể do bạn sợ già đi.
Tiến sĩ Chang và các đồng nghiệp cho biết, mốc thời gian sinh nhật có thể đóng vai trò là lời nhắc nhở về cái chết và khiến các cá nhân suy nghĩ về những thất bại trong cuộc đời của họ.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố: “Một số mốc sinh nhật quan trọng nhất định có thể làm tăng tình trạng tự tử ở những người bị ảnh hưởng bởi hội chứng đó”. Tròn 40, 50, 60, 70 tuổi mang nhiều áp lực hơn.
Tuy nhiên, “bất kỳ ngày nào có ý nghĩa cá nhân hoặc xã hội” đều có thể là một yếu tố rủi ro.