- Luật về hội không nên điều chỉnh các tổ chức chính trị như MTTQ hay công đoàn vì các tổ chức này đã có luật điều chỉnh riêng.
Thảo luận tại tổ dự thảo luật về Hội chiều nay, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Nguyễn Văn Rinh cho rằng dự thảo có quá nhiều quy định mang nặng tính quản lý, thủ tục hành chính rườm rà như 2 năm không hoạt động thì bị xóa tên, 5 năm phải đại hội một lần.
"Các hội hiện nay chủ yếu là tự chủ về ngân sách, tự do hội họp, và nhà nước không cấm. Hoạt động tuân theo điều lệ, vì vậy không nên quy định về tổ chức bộ máy hội", ông Rinh nói.
Ông cũng phản ánh hiện do giảm biên chế nên một số tỉnh đưa người về công tác tại hội. "Như vậy là thiếu dân chủ. Nhỡ hội viên không tôn sùng người đó thì sao?"
ĐB Lê Như Tiến |
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, hội là một tổ chức tự nguyện thì không nên cồng kềnh "ban này, phòng kia". Cơ cấu hội nên đơn giản, gọn nhẹ bởi cơ quan nhà nước, bộ ngành còn đang tinh giản, gọn nhẹ thì không thể để các hội phình ra.
"Tinh gọn nhưng phải chất lượng, những người làm trong hội phải có kinh nghiệm. Lãnh đạo hội có thể đã làm trong cơ quan nhà nước nhưng không phải những người đã làm bộ trưởng, thứ trưởng rồi sang làm chủ tịch, phó chủ tịch hội để hưởng các chế độ chính sách", ông nhấn mạnh.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cũng cho biết có nhiều người sau khi về hưu rất tâm huyết lập ra các hội chuyên ngành.
"Nhúng quá sâu"
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) chỉ ra những quy định mà dự luật "nhúng quá sâu" vào hoạt động của hội như phải báo cáo về tình hình tài chính, báo cáo chính quyền địa phương.
"Họ hoạt động theo điều lệ, sao cái gì cũng báo cáo, xin phép", ông Khanh nói.
ĐB Lê Đình Khanh |
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng quy định các hội do Đảng, nhà nước lập được cấp ngân sách có thể khiến quốc tế nghĩ VN phân biệt đối xử.
ĐB Lê Như Tiến nghĩ ra cảnh "hội dùng kinh phí nhà nước, sau khi làm lãnh đạo bộ thì lại về làm lãnh đạo hội", có trụ sở riêng, ô tô, lương ...
"Các hội phải hướng về lợi ích của hội viên và tự chi tiêu, quyết định chứ không dùng ngân sách nhà nước. Bao cấp cho 7 hội chính trị - xã hội hiện nay thì được, còn các hội khác thì không nên dàn trải", ông Tiến nói.
ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) đồng tình không bao cấp hội nhiều quá, vì các hội sẽ chỉ lo kê đầu mục để xin ngân sách chứ không quan tâm, thiếu trách nhiệm với lợi ích của hội viên.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng luật không nên điều chỉnh các tổ chức chính trị như MTTQ hay công đoàn vì các tổ chức này đã có luật điều chỉnh riêng.
C.Hoàng - T.Hằng - P.Hải
Đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội, nhóm
Hội chỉ gặp gỡ, giao lưu không phải đăng ký
'Ra luật để hạn chế còn đâu tự do lập hội'