Được sống và hưởng hoà bình là hạnh phúc tột đỉnh đời người, song niềm hạnh phúc ấy lại đồng thời là nỗi đau thương tột cùng.
Sáu năm trước, tiểu đoàn chúng tôi rời Hà Nội hành quân vào Nam. Chặng đầu đến Vinh được ngồi tàu hoả. Ngày đó, trong đội hình tiểu đoàn có 51 người là dân thủ đô. Giờ đây, trên chuyến trở về thành phố quê hương thì chỉ còn có một tôi mà thôi.
Ảnh minh họa |
Tôi xuống hàng cỏ buổi trưa, 26 tháng chạp
Một ngày chủ nhật lạnh giá. Mặc dù biết rằng ngôi nhà ga có từ đầu thế kỷ XX và có kiến trúc rất đẹp này đã trúng bom hồi cuối năm 1972 mà nhìn thấy đống đồ nát vẫn sững cả người, tôi phải ngồi lại định thần một lúc lâu trên sân ke. Từ ga về nhà, tôi đi dọc đường Nam Bộ. Trời mưa lất phất nhưng tôi bỏ mũ cối ra, mở cúc áo ngực, đón nhận căng tràn hương vị của thành phố thân yêu sau bao năm trời xa cách. Tôi rảo bước theo nhịp tim đập dồn.
Qua chợ cửa Nam, rồi vừa vượt chỗ chắn tàu, tôi khựng lại bởi nghe thấy tên mình ai đó kêu rú lên gọi. Một người đàn bà từ sau quầy hiệu may nơi mặt tiền nhà 44 nhào ra chụp lấy quai ba-lô của tôi. “Cháu về đấy à, cháu đã về đấy à, cháu ơi!...”. Rồi từ “cháu ơi”, bà kêu lên khóc: Kế ơi bạn con về rồi đây này, con ơi, mà con thì sao không, không bao giờ nữa … tiếng khóc dữ dội, cuồng dại mà như đang lặng ngất. Đấy là bà mẹ của Kế, bạn học một lớp Trường Bưởi với tôi. Nhập ngũ trước Kế nên tôi không biết rằng Kế cũng vào bộ đội… Người trong nhà chạy ra đỡ bà mẹ. Tôi thì cứ đứng thần ra, không thốt nổi lời nào. Cầm lòng không đậu, cơn thổn thức rát bỏng lồng ngực.
Nước mắt ngày gặp mặt trước cửa nhà Kế khiến tôi bất giác thấy sợ khi đứng trước cổng nhà mình. Chỉ riêng cái chung cư một chục gia đình này cũng đã góp vào cuộc chiến 4 chàng trai, cô gái sàn sàn tuổi tôi, mà không chừng cũng chỉ duy nhất một mình tôi trở về mà thôi. Linh cảm ấy khiến lòng tôi se lại, chỉ dám hé cổng sắt ra, rón chân đi ngang qua sân. Buổi trưa, trong giấc thiu thiu, ngôi nhà lặng như tờ.
Mẹ tôi, cha tôi không hề hay tin tôi về, đột ngột trông thấy tôi ở ngưỡng cửa, vậy mà không reo lên, cũng chả thốt kêu lên. Tôi ôm lấy mẹ. Mẹ tôi đã lặng khóc. “Bảo nó chết rồi, vừa báo tin tử tuần trước”, đấy là lời đầu tiên mẹ tôi nói với tôi. Rồi mẹ lại nói: “Còn Hưởng thì báo tử năm ngoái”. Tôi hôm ấy, mẹ tôi làm bữa cơm đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, ai nấy nói khẽ. Cửa sổ khép lại. Đèn tắt bớt ngọn. Ngay bên kia tường là tang tóc gia đình Bảo. Bên kia sân thì bố mẹ Hưởng…
Ngày hôm sau và nhiều ngày sau đó nữa, lặng lẽ những ông bố, bà mẹ, người vợ, người chị trong khu phố đến mừng tôi còn sống và hỏi thăm tin tức người thân. Nào tôi biết nói gì đây. Tôi là lính Sư 10, trận mạc chủ yếu ở Tây Nguyên mà các ngả đường của chiến tranh, những nơi anh em bộ đội đã nằm xuống thì khôn xiết kể, bao la mờ mịt trùm phủ thế gian này. “Cháu có hay tin gì của thằng Đức nhà bác không, đơn vị nó chiến đấu ở Cánh đồng Chum…”, “Thư cuối anh trai em nói đang ở mặt trận Long An…”. Chắc rằng bất kỳ ai trở về sau chiến tranh đều gặp những câu hỏi như thế nên hẳn là cảm thông được cho nỗi đau “đau nhói hoà bình ” trong lòng tôi, một kẻ gần như là đã một mình sống sót trở về hồi ấy.
Vì thuộc diện ra Bắc sớm nhất đơn vị nên tôi mang theo trong ba-lô rất nhiều thư của cá đồng đội quê Hà Nội gửi về nhà. Vui nhất, sung sướng nhất đối với tôi trong mấy ngày trước Tết là đi rải những lá thư ấy, mang đến cho gia đình của các bạn tôi niềm hạnh phúc vô bờ.
Hơn hai chục lá thư, hơn hai chục địa chỉ, khắp trong thành phố, mà đều là do ba tôi lọc cọc trở tôi đi. Ông nhất định không để tôi đạp xe đạp tự đi lấy một mình. Hồi đó, Hà Nội đâu có kìn kìn xe máy như ngày nay. Nhưng ba tôi vẫn sợ, nhỡ... thì…
Đưa thư tới các gia đình bộ đội cũng là đi dạo phố. Ba đưa tôi đi thửa đôi giày ở tiệm giày “chui” ngõ Phất Lộc. Loanh quanh dạo phố, cha con tôi đi ăn phở “chui” trên gác xép nhà họ Cồ phố Hàng Đồng, rồi vào cà phê phin, cũng “chui”, trong ngõ Gạch. Xưa, ngay trước ngày nhập ngũ, tôi cũng được ba đưa đi ăn phở và uống cà phê những chỗ ấy. Ngày đó, chiến tranh ly biệt, ba tôi buồn, nặng trĩu nỗi âu lo nên âm thầm. Nhưng nay tôi sống sót trở về mà ba tôi vẫn vậy, ưu tư, mặc dù dĩ nhiên ông vô hạn mừng vui.
Cha con tôi nặng lẽ uống cà phê, lặng lẽ dạo phố, lặng lẽ rẽ vào chợ hoa Hàng Lược chọn một cành hoa. Ông tránh, không hề nói gì tới chiến tranh, không đả động hỏi tôi về trận mạc, tấn công Buôn Ma Thuột thế nào, tiến đánh Sài Gòn ra sao… Ba hiểu tâm trạng tôi đang rất muốn quên đi để được êm ả trong lòng mà vui Tết. Từ năm 1965, hơn 10 năm chiến tranh, tới Bính Thìn Tết ấy trong gia đình chúng tôi mới có lại giỏ hoa thuỷ tiên, chậu cúc, cành đào. Tôi cũng mua một bánh pháo nhưng tới giao thừa thì lại thôi, nghe lời ba mẹ, không đốt nữa. Tiếng pháo quá rộn rã, trong khi biết bao gia đình không thể làm sao rộn rã cho nổi dẫu đã hoà bình.
Từ mùa Đông 1946
Đằng đẵng ba chục năm trời đau khổ da diết cầu mong tàn cuộc binh lửa, vậy mà Hà Nội đã chào đón mùa Xuân hoà bình đầu tiên một cách chừng mực. Tôi cảm nhận thấy thế. Ở đâu tưng bừng hoan hỷ, rầm rộ ăn mừng không biết, chứ như tôi thì thấy Tết ấy, khắp các phố xá của người bình dân Hà thành, một bầu không khí trầm tư của những nông nỗi mừng vui lẫn lộn. Trầm tư, bởi có biết bao nhiêu là niềm mặc tưởng trong lòng khi mùa Xuân tới.
Giao thừa Bính Thìn, tiếng pháo ran lên nhưng nghe hiền hoà và đầm ấm chứ không dữ dội đinh tai nhức óc cuồng lên phô trương như tiếng pháo của những cái Tết về sau. Vừa giã từ vũ khí mà bánh pháo Hà Nội hồi ấy khi lạch tạch nổ toả mùi thuốc pháo nhà quê Bình Đà hiền lành dễ chịu chứ không nồng nặc mùi thuốc đạn của loại pháo hung tợn những năm sau đó nhập khẩu về.
Có một điều rất lạ, tôi còn nhớ rõ, là ca nhạc mừng Xuân Tết ấy rất êm đềm. Tết ấy là Tết hoà bình và cố nhiên là cả Tết chiến thắng nữa, vậy mà từ các loa phóng thanh của phường phố tới những sân khấu văn nghệ quanh bờ hồ Gươm không nghe vang lừng lên những khúc quân hành. Tưng bừng chiến công chiến thắng chỉ có bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, còn thì người ta hát Nối vòng tay lớn, hát Mùa xuân đầu tiên và nhất là Bài ca hy vọng.
Cũng rất lạ nữa là các rạp xi-nê dịp Tết ấy không thấy chiếu những phim anh hùng chiến công này nọ. Ở rạp Kinh Đô gần nhà tôi đang phải chiếu cái phim Lửa hận rừng dừa loè loẹt và huyên náo, giáp Tết người ta thay bằng phim Cánh buồm đỏ thắm. Rạp Tháng Tám và Công Nhân cũng vậy, chiếu bộ phim thơ mộng ấy. Kim Đồng chiếu Con chim vành khuyên, tuy là phim thời chiến nhưng ẩn chứa sâu sắc tình yêu hoà bình. Còn cái rạp Bắc Đô bình dân, náu mình ở gầm cầu, thì moi từ đáy kho phim Đàn sếu bay qua ra chiếu.
Chiều 30 Tết, các bạn cũ tới hội ở nhà tôi, cơm tất niên cùng ba mẹ tôi. Buổi tối cả lớp kéo nhau đi dạo bờ hồ. Trước giao thừa, ra bờ hồ trẩy hội, đi bộ, ngắm đèn, ngắm người là cái lệ, là nếp quen từ xưa của tuổi trẻ Hà thành. Chìm trong đông đảo nườm nượp, trong trùng điệp tươi vui, tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát, tôi ngây ngất hạnh phúc. Dường như tới buổi tối đó, tôi mới thực sự thấu cảm niềm hạnh phúc còn sống trở về và được hưởng hoà bình. Tôi như trở lại với thời học trò 17 tuổi. Các bạn lớp 10 ngày xưa quây quần, ríu rít quanh tôi, ai cũng đi sát vào tôi, khoác tay tôi. Tôi được thương mến, được hưởng tình thân ái của các bạn còn hơn là hồi đang đi học với nhau.
Sau một vòng quanh hồ, cả hội vào Thuỷ Tạ giữ hai bàn bên lan can kề mặt nước. Thuỷ Tạ mở cửa đến 22 giờ, mà lúc đó đã quá nửa tiếng rồi nhưng chúng tôi có Lan là con gái của bác cửa hàng trưởng nên được ưu tiên ngồi nán. Dù trời rất lạnh, kem thì tê buốt mà xúm xít với nhau thì vẫn thấy ấm lòng. Chỉ có điều, tới lúc chia tay để ai nấy về nhà đón giao thừa cùng gia đình thì Lan bật khóc. Nhà của Lan ở đầu Hàng Gai, cách một đoạn, đầu Hàng Cân là nhà Cường, trưởng lớp 10C chúng tôi. Cường hy sinh ở Quảng Trị, năm 1972. Vì ai đó nhắc tới Cường khiến Lan khóc…
Tôi lặng người. Cho đến lúc ấy tôi mới nhận ra rằng gọi là “cả lớp” hội với nhau ở đây mà thực ra chỉ có 16 “tên”. Và chỉ duy nhất tôi là con trai. Sĩ số của 10C chúng tôi ngày thi tốt nghiệp chẵn 40. Mười lăm nữ, hai lăm nam. Tất nhiên cả bọn con trai đều đã lên đường ra trận, sao bây giờ chỉ có một tôi có mặt ngồi đây cùng bọn con gái?
Được sống và hưởng hoà bình là hạnh phúc tột đỉnh đời người, song niềm hạnh phúc ấy lại đồng thời là nỗi đau thương tột cùng. Tôi nghĩ về đời mình, về cuộc đời của thế hệ mình như thế, từ buổi tối ấy, khi đoàn tụ sum vầy bên hồ Gươm với phần còn sống sót của lớp học ngày xưa.
Bảo Ninh (theo Báo Lao động)
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại