Chuyển hoạt động của các gia đình Lạng Sơn lên không gian số
Lạng Sơn là một trong những địa phương đã thu được những kết quả tích cực trong việc triển khai kế hoạch 1034 - kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn” được Bộ TT&TT phê duyệt hồi tháng 7.
Ngay từ trung tuần tháng 7/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Mục tiêu phát triển kinh tế số của địa phương này là thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của cách làm truyền thống bằng nền tảng số, tạo ra các giá trị mới giúp cho nông dân gia tăng thu nhập, bớt sự nhọc nhằn, rủi ro khi được mùa mất giá, còn được giá thì mất mùa.
Phát triển cửa hàng số cho các hộ qua những nền tảng số langson.postmart.vn và langson.voso.vn, 2 sàn thương mại điện tử của 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post). Điều này nhằm phục vụ việc mua và bán thông qua các cửa hàng số, định vị địa chỉ số, xác định nguồn gốc sản phẩm và dùng công nghệ số để kết nối người bán, người mua, có sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử.
Đồng thời, chuyển đổi người nông dân lên không gian số thông qua việc thay đổi cách sống, cách làm việc mới trên cửa hàng số. Mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn ra ngoài tỉnh và các nước trên thế giới.
Số hộ gia đình tại Lạng Sơn có cửa hàng số trên các sàn Postmart, Vỏ Sò đã tăng tới 109 lần sau 4 tháng. |
Thông tin về kết quả triển khai phát triển kinh tế số tại Lạng Sơn, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, tính đến cuối tháng 11, đã có 109.550 hộ có cửa hàng số trên các sàn Postmart và Vỏ Sò, tăng 109 lần so với thời điểm phát động; 89.817 hộ có tài khoản thanh toán điện tử, tăng 298 lần so với thời điểm phát động.
Cũng đến hết tháng 11, Lạng Sơn đã phát triển được 6.415 hộ gia đình có hàng hóa, nông sản được bán nhiều. Đây là lực lượng đầu tàu trong phát triển kinh tế số tại địa phương. Lực lượng nòng cốt - Tổ công nghệ cộng đồng cũng được phát triển mạnh, với 1.596 tổ và tổng số 5.822 người, mỗi tổ có từ 3 người trở lên gồm trưởng thôn và 2 người biết công nghệ, say mê cái mới.
Đặc biệt, doanh thu của các gia đình đã tăng mạnh nhờ triển khai phương thức kinh doanh mới – qua sàn thương mại điện tử, với tổng số 21.395 đơn hàng và doanh thu tăng từ 30 triệu đồng thời điểm phát động lên đạt khoảng 6 tỷ đồng, tăng 181 lần.
3 chiến lược giúp Lạng Sơn “phủ” cửa hàng số tới hơn 55% hộ gia đình
Chia sẻ kinh nghiệm và cách làm khác biệt của Lạng Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Khắc Lịch cho hay, để đạt được kết quả trên, tỉnh đã gắn phát triển kinh tế số, cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử với 3 chiến lược: vết dầu loang, đầu tàu và lực lượng nòng cốt hay còn gọi là Tổ công nghệ cộng đồng.
Với chiến lược vết dầu loang, theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Lạng Sơn đã hoàn thành sớm chỉ tiêu có 50% số hộ gia đình có cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử được đề ra trong Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Hiện trên toàn tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò đã đạt trên 55%.
“Thực tế không phải lúc nào cũng có hộ gia đình tại Lạng Sơn có hàng để bán hay muốn mua hàng. Chúng tôi suy nghĩ rằng, có 10% hộ gia đình thường xuyên có hàng để bán và có mua hàng, họ sẽ là những “đầu tầu” kéo toàn bộ đoàn tầu kinh tế số. Đây là lực lượng phải tập trung để hỗ trợ”, người đứng đầu Sở TT&TT Lạng Sơn chia sẻ.
Tại Lạng Sơn, các Tổ công nghệ cộng đồng sẽ là lực lượng trực tiếp triển khai phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, sau khi được các doanh nghiệp đào tạo, tập huấn. |
Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển lực lượng nòng cốt hay còn gọi là Tổ công nghệ cộng đồng, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, ngay từ cấp cơ sở, mỗi xã, thôn sẽ có quyết định thành lập các Tổ công nghệ cộng đồng với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng. Lực lượng này được Bưu điện và Viettel Post Lạng Sơn tập trung đào tạo, tập huấn, hướng dẫn để sau đó sẽ triển khai đi hướng dẫn, phát triển các cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử cho các hộ gia đình tại địa bàn thôn, bản, xã.
“Lạng Sơn dựa trên kinh nghiệm rất thành công trong phòng chống dịch là Tổ Covid cộng đồng, chúng tôi đưa ra mô hình Tổ công nghệ công đồng. Cho đến nay chúng tôi thành lập được 1.596 tổ với 5.822 người, với lực lượng Tổ trưởng là các Trưởng thôn, Trưởng bản, cộng với tối thiểu 2 người trong thôn, bản đó biết công nghệ và say mê cái mới”, ông Nguyễn Khắc Lịch thông tin thêm.
Đại diện Sở TT&TT Lạng Sơn cũng kiến nghị Bộ TT&TT xem xét nhân rộng mô hình phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn trên toàn quốc để góp phần phát triển kinh tế xã hội, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, theo khuyến nghị của Lạng Sơn, chính quyền địa phương các cấp trong quá trình phát triển kinh tế số cần đảm bảo 3 chiến lược vết dầu loang, đầu tàu, lực lượng nòng cốt – Tổ công nghệ cộng đồng và 4 chỉ tiêu cụ thể về hộ gia đình có cửa hàng số, hộ gia đình có tài khoản thanh toán điện tử; số hộ gia đình đầu tàu và phát triển lực lượng nòng cốt - Tổ công nghệ cộng đồng.
Vân Anh
Phát triển kinh tế số tạo cơ hội lớn cho tỉnh miền núi Lạng Sơn vươn lên
Trong lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, phát triển kinh tế số trong thời điểm hiện nay là cơ hội to lớn để tỉnh phát triển.