Đây là thông tin vừa được công bố mới đây bởi Certik - công ty bảo mật chuyên về lĩnh vực blockchain. Cụ thể, theo báo cáo của Certik, hơn 376,7 triệu USD đã bị hacker lấy khỏi các dự án tiền mã hóa chỉ trong tháng 4. 

Trong khoảng thời gian này, có 31 dự án bị tấn công mạng. Beanstalk - một stablecoin phi tập trung dựa trên tín dụng là dự án blockchain chịu thiệt hại nặng nền nhất với tổng cộng 182 triệu USD bị hacker lấy đi. 

Những vụ đánh cắp tiền mã hóa gây thiệt hại lớn nhất trong tháng 4/2022.

Nhiều dự án tên tuổi khác trong mảng blockchain cũng là nạn nhân của giới hacker. Có thể kể tới vụ tấn công vào FEI Protocol lấy đi 79,3 triệu USD, Akutars bị đánh cắp 32,8 triệu USD. Ngoài ra là các vụ tấn công quy mô nhỏ nhưng cũng gây thiệt hại hàng triệu USD nhằm vào các dự án như Deus Finance, Agora, Inverse Finance, Elephant Money, Saddle, BAYC, CF,...

Dù năm 2022 mới đi qua 1/3 chặng đường, song thiệt hại từ các vụ việc tấn công mạng nhằm vào các dự án tiền mã hóa đã lập kỷ lục mới.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1,6 tỷ USD tiền mã hóa bị hacker lấy cắp qua các lỗ hổng smart contract và bảo mật của các dự án. Con số này đã vượt qua kỷ lục 1,3 tỷ USD của năm 2021 và trước đó là 516 triệu USD của năm 2020.

Đã có hơn 1,6 tỷ USD tiền mã hóa lọt vào tay các hacker chỉ trong 4 tháng đầu năm nay. 

Những vụ việc này còn chưa bao gồm các hành động lừa đảo, tấn công mạng nhắm trực tiếp tới ví tiền mã hóa của người dùng. 

Việc thu hồi các khoản tiền bị đánh cắp từ những dự án tiền mã hóa rất khó khăn. Mới đây, trong vụ việc của Axie Infinity, mới chỉ có hơn 5 triệu USD tiền đánh cắp bị thu hồi nhờ nỗ lực truy vết và phong tỏa của sàn giao dịch Binance.

Trọng Đạt