Trong tổng số 28,9 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hải Phòng, có hơn 50% vốn được tập trung cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính… 22,3% số vốn cho công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng…
Theo tổng kết của Sở Công thương thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2019 -2023, các ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố đang cơ bản phát triển đúng theo định hướng đề ra.
Thành phố tiếp tục duy trì phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, có lợi thế như sản xuất phương tiện vận tải, sản phẩm từ kim loại, thiết bị điện, hóa chất - nhựa, chế biến thực phẩm, công nghiệp dệt may, da giày…
Cùng với đó Hải Phòng cũng đang là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Công nghiệp điện tử - tin học, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị tiêu chuẩn quốc tế…
Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ (chuyên sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để hoàn chỉnh các sản phẩm công nghiệp) được thành phố đặc biệt quan tâm. Nhằm từng bước nâng cao trình độ sản xuất công nghiệp của Hải Phòng, đảm bảo chất lượng sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo số liệu tổng kết từ Ban Quản lý khu kinh tế thành phố Hải Phòng, luỹ kế đến hết năm 2023, Hải Phòng có 933 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD. Trong đó, có hơn nửa số vốn đầu tư được tập trung cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính... 22,3% số vốn cho công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng...
Có thể kể đến những dự án phát triển công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ được đầu tư rất lớn như, tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone với 1,224 tỷ USD; Pegatron với 900 triệu USD; Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với 500 triệu USD...
Cùng với đó, có nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ hoạt động trước đây đã tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất.
Cụ thể, mới đây UBND thành phố Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD. Đây là nhà máy chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử phụ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, di động, module camera điện thoại...
Công ty TNHH LG Display Việt Nam tại Hải Phòng cũng đã 2 lần tăng vốn, nâng tổng vốn đầu tư hiện nay lên đến 4,65 tỷ USD. Hiện công ty đang chuẩn bị hoàn thành xây dựng nhà máy H3 mới trên diện tích hơn 4ha tại khu công nghiệp Tràng Duệ. Tăng sản lượng sản phẩm phụ trợ là màn hình OLED nhựa từ 9,6 - 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 - 14 triệu sản phẩm/tháng. Qua đó dự kiến doanh thu xuất khẩu của công ty sẽ tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD/năm, tạo thêm việc làm cho khoảng 10.000 lao động.
Trong buổi làm việc giữa Sở Công Thương thành phố Hải Phòng và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa qua, đại diện Sở Công Thương đã nêu kiến nghị về việc xem xét nghiên cứu và ban hành các ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo...
Ngoài việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Hải Phòng cũng đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nỗ lực nâng cao trình độ người lao động trong nhiệm vụ phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng của thành phố.
Quốc Cường