Càng ngày, Nguyễn Hồng Công càng lún sâu hơn vào đức tin của chính mình. Anh cho rằng, con suối đổ từ lưng chừng núi Mã Cú xuống ban đầu chia làm hai nhánh.

TIN BÀI KHÁC

Về “công trình" của Công, anh Tiến nói vui: “Số địa đạo mà anh ta đã đào, nối lại với nhau chắc cũng đã ra đến... Thanh Hóa". Hàng ngàn mét khối đất đá đã được hất lên, tất cả chỉ bằng xà beng, cuốc chim và đôi tay trần của một người đàn ông ốm yếu ở tuổi gần 60.

Càng ngày, Nguyễn Hồng Công càng lún sâu hơn vào đức tin của chính mình. Anh cho rằng, con suối đổ từ lưng chừng núi Mã Cú xuống ban đầu chia làm hai nhánh. Chôn kho báu xong, người ta nắn dòng để hai con suối nhập lại làm một, vì “ngụy trang bằng nước là kín đáo nhất, không thể phá được”.

Dẫn khách sục sạo vào những hố đá mà mình đã ròng rã đào tung lên suốt gần 30 năm, Công bảo: “Hầm vàng được xây dựng theo kiểu cuốn chiếu, có 12 hố. Đào xong hố này, bỏ báu vật xuống, lấp lại xong mới đào hố khác nên không để lại vết tích. Hố này chính là “nắp cống nước” của hố kia. Do đó, kẻ săn lùng kho báu mà “thiếu kiến thức” thì chỉ công toi, đào đến đâu nước ngập đến đó, chẳng bao giờ nhìn thấy được kho báu”.


Tôi đặt câu hỏi: “Đã là công trình xây dựng thì phải có vết tích xây dựng, vết tích vật liệu chứ?”. Công trợn mắt: “Người xưa có phải đám trẻ con đâu mà dại dột để dấu tích cho anh thấy?”. Anh bảo, để xây kho báu, người xưa đã “khôn khéo sử dụng vật liệu tại chỗ, thiếu kiến thức là đừng hòng phát hiện ra”. Chỉ vào những vỉa đá xếp nghiêng nghiêng theo một thành hố sâu 18m, Công khẳng định: “Họ (người chôn kho báu) khôn lắm, sắp đá theo “kết cấu nghiêng" để chúng tự ép vào nhau. Vì vậy, để càng lâu, công trình càng... chắc, đừng hòng sạt lở”. Theo quan sát của tôi, những phiến đá xếp vỉa khổng lồ này là tự nhiên, chứ chả phải do con người xếp.

Một cửa hầm đào sâu vào núi hàng gần 50m bị bỏ dở.
Ngay tại những hố mà Công đã khai quật, thỉnh thoảng cũng lộ ra những dấu tích có vẻ như là mạch hồ, vữa, do bàn tay con người dựng lên hơn là giống mạch đá tự nhiên. Chưa hết, lẫn trong đất, đá mà Công hất ra ngoài các đường hầm, người ta dễ dàng nhìn thấy những đống mốc xanh – dấu hiệu của ôxít đồng. Công bảo: “Mỏ đồng nhỏ nhất cũng rộng hàng km2, ở đây, ôxít đồng chỉ tồn tại trong một khoảng đất 5.000m2, chệch ra khỏi chu vi này 2m có bói cũng chẳng thấy dấu vết mốc xanh nào cả. Không phải kho báu được chôn ở dưới thì là cái gì?”.
Những dấu vết mà anh trưng ra quá mờ nhạt để có thể thuyết phục người khác. Trong khi đó, sức khỏe và tính mạng của kẻ săn lùng là anh thì cứ treo lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Không ít lần, Công đã nhiễm khí độc ngất xỉu ngay trong địa đạo, may được dân địa phương phát hiện đưa ra cấp cứu kịp thời. Nhiều lần khác, dưới những đáy hố sâu 15 – 17m, nhát cuốc chim của anh phá vỡ cả một “mỏ” nước ngầm. Chỉ trong phút chốc nước lạnh buốt trào lên nhấn Công chìm nghỉm. Công bảo: “Người khác là chết chắc, nhưng tôi biết là mình không thể chết nên chìm dưới nước một hồi là tôi lại... bò lên!”.

Lúi húi một mình đào xới giữa rừng xanh núi thẳm, Nguyễn Hồng Công có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Không phải lúc nào, con người lì lợm ấy cũng may mắn được phát hiện kịp thời để cấp cứu. Vì vậy, chính quyền địa phương đã nhiều lần phải huy động công an, biên phòng vào Hóa Sơn, kè Công ra khỏi núi, trục xuất anh. Đuổi thì Công đi. Nhưng, chỉ ghé về thăm nhà 10 ngày, nửa tháng, thấy hơi êm êm là người đàn ông này lại mò lên, lại lui cui một mình đào xới.


Gần 14 năm nay, Công cất chòi ở ngay tại nơi đào hầm vàng, trồng khoai lang, đu đủ... và ở lại luôn lưng chừng núi Mã Cú, quên luôn cả chuyện về thăm nhà như trước. Trục xuất Công mãi cũng chỉ là bắt cóc bỏ đĩa. Anh Cao Minh Tiến, Phó Trưởng Công an xã Hóa Sơn bảo: “Xét ra thì anh ta cũng chẳng gây phiền hà gì đến ai, chẳng gây mếch lòng hay phá phách gì ai, thôi thì kệ”.

Về “công trình" của Công, anh Tiến nói vui: “Số địa đạo mà anh ta đã đào, nối lại với nhau chắc cũng đã ra đến... Thanh Hóa". Công nghe, lắc đầu: “Làm gì có, chỉ chừng 400m thôi, tôi mới khui có 12 hố mỗi hố sâu gần 20m”. Tôi nghe mà phát hoảng nhưng không khỏi khâm phục ý chí của anh. Hàng ngàn mét khối đất đá đã được hất lên, tất cả chỉ bằng xà beng, cuốc chim và đôi tay trần của một người đàn ông ốm yếu ở tuổi gần 60.

Viên đã có khắc hình thù lạ mà ông Công cho là chứa bí ẩn về kho vàng.
Một lần, tôi vào Hóa Sơn thăm Công. Vàng bạc vẫn chẳng thấy đâu, chỉ thấy hình hài của “kỳ nhân” này tàn tạ đi trông thấy. Nhưng nụ cười của anh vẫn hết sức tự tin. Vui chuyện, Công chui vào túp lều rách nát, xiêu vẹo lôi ra cho chúng tôi xem một số chiến lợi phẩm thu được. Chỉ “quả bóng” tròn vo, nặng chịch, có lẽ bằng một thứ kim loại nào đó, vì nó nặng hơn nhiều so với đá, Công bảo: “Tôi quai búa tạ 3 ngày liền nó vẫn không chịu vỡ”. Tôi nghe và tái mặt bởi khối kim loại kia trông không khác gì một quả đạn súng thần công! Đến lượt hai mảnh đá có nhiều đường vân hắt ánh kim, Nguyễn Hồng Công khẳng định, đó chính là một loại... ký tự cổ anh không đọc được nhưng “hiểu rất rõ”.

Căn lều Công ở đã được “đầu tư” khá hơn với mái lợp tôn và cửa có khóa hẳn hoi. Tôi buộc miệng hỏi anh sao phải khóa, anh nói nhỏ như sợ có người nghe thấy: “Mình mãi làm dưới hầm, không khóa cửa kẻ xấu lẻn vào bỏ thuốc độc vào nước uống thì chỉ có chết. Mà tôi cũng đã bị nhiễm độc rồi nên người mới ốm yếu thế này đấy...”.

Dù sao, con người gầy gò ngồi trước mặt tôi cũng là hiện thân của một quyết tâm, một nghị lực phi thường. Đó là điều mà trong đời, không phải ai, không phải khi nào cũng có duyên gặp được. Thôi thì đành trôi theo anh trong một chút mơ mộng, dù hết sức viển vông. Chỉ mong sao có một phép mầu nào đó để điều không thể trở thành có thể, để Công sớm tìm ra cửa hầm huyền hoặc, để cuộc kiếm tìm xuyên 2 thế kỷ của Nguyễn Hồng Công không trở nên vô nghĩa.

Chia tay, Nguyễn Hồng Công tiễn tôi ra khỏi cửa rừng, Công có vẻ bùi ngùi: “Bây giờ yếu rồi, mỗi ngày đào chừng ba tiếng đồng hồ là phải nghỉ. Sức khỏe không còn được như xưa nữa. Tôi cố đào cho đến khi nào gặp được kho báu mới thôi...”.

Rồi sau đó một thời gian, tôi nghe tin Công từ giã mảnh đất Hóa Sơn để vào TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh...

Bất ngờ, vào sáng ngày 17/6, anh Công điện thoại cho tôi và báo sẽ gặp lãnh đạo tỉnh Quảng Bình để trình bày về việc đã tìm ra kho báu. Tôi chẳng biết khuyên anh điều gì, chỉ nói là anh nên giữ gìn sức khoẻ... Anh Công nói thì thầm: “Các con tôi chỉ cho phép đến tháng 8 mà không đào được vàng thì cắt kinh phí. Mặt khắc tôi muốn gặp lãnh đạo tỉnh Quảng Bình để đề nghị cho người bảo vệ tôi và tránh những tà giáo xâm hại...”.

(Theo Giáo dục Việt Nam)