Gia đình bà Đặng Thị Bích và ông Nguyễn Phúc Biên ở phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên, là một trong những hộ được nhiều người dân quý mến bởi lối sống giản dị, hiền hòa và truyền thống gia đình nền nếp, nuôi dạy con cháu chăm ngoan, học giỏi.
Chia sẻ về bí quyết giữ hạnh phúc gia đình, ông Biên cho biết ngoài việc phải làm gương cho các con về cách sống, cách cư xử trong gia đình, vợ chồng ông đã kiên trì kèm cặp, uốn nắn các con học hành từ nhỏ, đồng thời nghiêm khắc một cách đúng mực để các con không bị áp lực.
Ý thức được sự ảnh hưởng của bản thân đến quá trình hình thành nhân cách của con nên vợ chồng ông Biên luôn sống hòa hợp, cư xử với mọi người hòa nhã, đúng mực để làm gương cho con cháu. Vì vậy, 3 người con trai của ông bà đều đã trưởng thành, có vị thế trong xã hội.
Còn gia đình ông Lương Văn Tâm và bà Nguyễn Thị Thoa (ở xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) nhiều năm qua luôn là gia đình văn hóa tiêu biểu, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, là tấm gương vươn lên phát triển kinh tế.
Với sự cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Tâm đầu tư phát triển nghề mộc, bắt đầu từ việc sửa chữa đồ gỗ, nhận đóng thủ công giường, tủ, bàn ghế. Nhờ tay nghề cao, ông Tâm không ngừng phát triển xưởng mộc.
Noi gương ông, con cháu trong gia đình luôn nỗ lực học tập để cống hiến cho quê hương, đất nước. “Tôi luôn nhắc nhở các cháu phải cố gắng học tập, trau dồi tri thức, vốn sống để chuẩn bị hành trang vững chắc cho bản thân. Đặc biệt, để động viên, khích lệ các cháu học tập tốt, tôi đã trao thưởng cho các cháu khi đạt thành tích cao trong học tập. Tất cả các cháu đều đạt học sinh giỏi, đỗ đạt cao”, ông Tâm chia sẻ.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, 6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, đã tự nguyện giao ước thi đua với nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Khởi nguồn từ đây, qua hơn 6 thập kỷ, phong trào xây dựng gia đình văn hoá ngày càng có sức lan toả mạnh mẽ.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Hưng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Phấn đấu nâng tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"
Năm 2023, toàn tỉnh có 92,2% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 89,8% số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa; 100% số làng, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh xây dựng hương ước, quy ước.
Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở ngày càng hoàn thiện và phát huy tốt hiệu quả hoạt động. Toàn tỉnh thành lập được trên 500 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và lồng ghép phòng, chống bạo lực gia đình.
Các gia đình luôn nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hương ước, quy ước của địa phương; tích cực vận động người dân trong thôn, làng, tổ dân phố cùng thực hiện, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội; tích cực tham gia công tác xã hội và các phong trào của địa phương.
Đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều gia đình văn hóa đã tích cực tham gia và vận động bà con thôn, xóm hiến kế, hiến đất, ủng hộ tiền, ngày công lao động cùng cộng đồng dân cư hoàn thiện 19 tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình đã là tấm gương sáng được cộng đồng dân cư, bà con thôn xóm ghi nhận và học tập làm theo.
Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh Hưng Yên phấn đấu năm 2024, phấn đấu tỉ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 92,3%; tỉ lệ làng, tổ dân phố đạt danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa là 90,5%.
Đến năm 2025, 100% các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình.
90% các địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở. 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.