Thời gian gần đây, người dân khi đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử được cán bộ trực tại bộ phận hướng dẫn đăng ký hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công.

Ông Huỳnh Đức Lộc, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Vĩnh Quang cho biết, hiện nay trên địa bàn đã triển khai làm trực tuyến hai nhóm liên thông khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm và đăng ký khai tử - xoá đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng, hỗ trợ mai táng.

“Khi người dân đến làm các thủ tục này, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân đăng ký trên cổng dịch vụ công. Từ đó, giúp đơn giản hoá các thủ tục hành chính, giảm thời gian đi lại cho người dân”, ông Lộc chia sẻ.

W-vinh-quang-1.jpg
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Vĩnh Quang (Ảnh: Diễm Phúc).

Không chỉ hướng dẫn người dân đăng ký các thủ tục trực tuyến, tại cơ quan chuyên môn giải quyết thủ tục hành chính, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trang thông tin điện tử xã Vĩnh Quang, các thủ tục hành chính mới được UBND tỉnh Bình Định công bố thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã đều được UBND xã Vĩnh Quang niêm yết công khai các từ trình tự, cách thức thực hiện; các khoản phí, lệ phí; thành phần hồ sơ; thời hạn giải quyết; đối tượng, cơ quan thực hiện… để người dân nắm bắt.

UBND xã Vĩnh Quang cũng chú trọng việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, công dân đối với các thủ tục hành chính. Thường xuyên theo dõi chuyên mục hỏi đáp trên Trang thông tin điện tử huyện, mở hòm thư góp ý, xây dựng chương trình phát sóng chuyên mục “Trả lời công dân” để tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng, đầy đủ, chi tiết các phản ánh, vướng mắc của tổ chức, công dân.

Ông Hồ Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang cho biết, công tác cải cách hành chính trên địa bàn xã từng bước đảm bảo theo hướng công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và thực hiện tích hợp các dịch vụ công này với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tính đến ngày 1/12/2023, UBND Vĩnh Quang đã tiếp nhận 1.339 hồ sơ thủ tục hành chính, tiếp nhận trực tiếp 906, nhận trực tuyến 433. Trong đó, số lượng hồ sơ đã giải quyết 1.399 (giải quyết trước hạn và đúng hạn 1.339 hồ sơ).

Thí điểm chuyển đổi số

Không chỉ đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện nay, UBND xã Vĩnh Quang cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm chuyển đổi số.

Theo đó, UBND xã Vĩnh Quang sẽ đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp, bổ sung hệ thống mạng LAN, hệ thống công nghệ thông tin, máy tính để đảm bảo cấu hình, năng lực của thiết bị phục vụ triển khai các ứng dụng cho cán bộ, công chức tại xã. Triển khai, sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng cấp II, kết nối toàn bộ hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, các ứng dụng của xã để đảm bảo an toàn thông tin, toàn vẹn dữ liệu trong quá trình hoạt động ứng dụng, chỉ đạo điều hành của xã.

W-vinh-quang-2.jpg
Máy đánh giá mức độ hài lòng đặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Vĩnh Quang (Ảnh: Diễm Phúc).

Sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình để thực hiện các cuộc họp trực tuyến; đầu tư nâng cấp và sử dụng hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông; nâng cấp điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông xã.

Đẩy mạnh sử dụng các hệ thống văn phòng điện tử trong quản lý, điều hành công việc; phần mềm quản lý công việc vào công tác giao việc, quản lý tiến độ xử lý công việc tại UBND xã; hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống thư điện tử của tỉnh…

Triển khai rà soát các danh mục sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP để xây dựng thương hiệu, làm các thủ tục pháp lý để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, cửa hàng kinh doanh, bộ phận một cửa và các doanh nghiệp để phát triển kinh tế số.

Về phát triển xã hội số, UBND xã Vĩnh Quang sẽ thiết lập các kênh giao tiếp giữa xã và người dân; triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các trường học trên địa bàn xã; thành lập bộ phận hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại bộ phận y tế xã.

Ông Lê Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hoá - thông tin huyện Vĩnh Thạnh cho biết, thực hiện kế hoạch thí điểm chuyển đổi số nhằm thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chính quyền để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao kỹ năng số cho người dân.

“Các lực lượng sẽ hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng, tiện ích thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương”, ông Vinh cho hay.

Cần xoá “vùng trắng”

Vĩnh Thạnh là huyện miền núi của tỉnh Bình Định có hơn 30.000 dân với 20 dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số.

Đến nay, công tác chuyển đổi số trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực. Hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối internet đã được phủ đến 9/9 xã, thị trấn. Toàn huyện có 9/9 xã, thị trấn vận hành phần mềm một cửa điện tử. Có 9/9 xã, thị trấn và 59/59 thôn, làng, khu phố thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng;

Tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động đạt 79,6%; Tỷ lệ người sử dụng Internet (cố định và di động) đạt 82,4%; Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 51,9%.

“Khó khăn nhất là trên địa bàn hiện nay còn có làng O2, xã Vĩnh Kim là vùng khó khăn, chưa có điện, lõm sóng. Địa phương mong muốn các đơn vị phối hợp xoá “vùng trắng” ở địa điểm này để người dân có thể tiếp cận công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển đời sống kinh tế - xã hội”, ông Vinh nói.

Diễm Phúc