Đà Bắc là huyện vùng núi cao nằm khu vực phía Tây của tỉnh Hòa Bình. Triển khai Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của huyện Đà Bắc xóa nhà tạm, dột nát cho 2.157 hộ nghèo, cận nghèo với tổng nguồn vốn 77,18 tỷ đồng.
Trong đó, xây dựng nhà ở mới cho 1.247 hộ, sửa nhà cho 910 hộ. Số hộ có nhà tạm, dột nát chủ yếu ở một số xã vùng sâu, vùng xa như: Mường Chiềng (415 hộ), Trung Thành (290 hộ), Đồng Ruộng (268 hộ), Nánh Nghê (257 hộ)… Hiện nhà ở nhiều hộ vẫn là nền đất, tường và mái không được xây dựng bằng vật liệu kiên cố, chủ yếu là vật liệu mỏng, dễ cháy, thời hạn sử dụng ngắn, không đảm bảo an toàn như ván gỗ, bạt, nhựa, cót ép, mái tranh, vách đất...
Nguyên tắc hỗ trợ của đề án là đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, ưu tiên sử dụng các vật liệu, lao động sẵn có tại địa phương; phân quyền, phân cấp cho các địa phương tổ chức thực hiện. Đối tượng hỗ trợ ưu tiên là hộ nghèo dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, giám sát thường xuyên, tránh các hành vi lãng phí, sử dụng sai mục đích, đối tượng…
Về định mức, mỗi hộ xây dựng mới nhà ở được hỗ trợ 40 triệu đồng, sửa chữa 20 triệu đồng, sau khi được hỗ trợ, sửa chữa, nhà ở phải có diện tích sử dụng trên 30m2, tuổi thọ 20 năm trở lên, đảm bảo tiêu chuẩn "3 cứng” của Bộ Xây dựng.
Từ đề án, tính đến tháng 12/2023, toàn huyện có 447 hộ được xây nhà mới (đạt 35,8% kế hoạch), 302 hộ được sửa nhà (đạt 33,2% kế hoạch). Bên cạnh đó, huyện Đà Bắc huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ chương trình. Toàn bộ số tiền hỗ trợ được phân bổ công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng.
Mỗi căn nhà hoàn thành đồng nghĩa với việc 1 hộ nghèo có chỗ ở ổn định, không phải lo gánh nặng về nhà ở, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Từ đó góp phần cùng cấp ủy, chính quyền hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các ban, ngành, địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực tổ chức rà soát, đối chiếu khớp đối tượng hỗ trợ kịp thời, đúng thực tế. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện trên cơ sở các tiêu chí đã thống nhất ban hành, đảm bảo về diện tích, tuổi thọ ngôi nhà được hỗ trợ, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Phát huy tính tích cực, chủ động của chủ hộ, sự tham gia, giúp sức của hệ thống chính trị, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn khác để xây mới, sửa chữa nhà ở, quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo toàn huyện.