Theo báo RT, với 317 phiếu chống và 312 phiếu ủng hộ, Nghị viện châu Âu ngày 26/3 đã bác bỏ các sửa đổi gây tranh cãi, vốn có thể dẫn đến việc cắt gọt hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn điều 11 và điều 13 khỏi Luật bản quyền mới của Liên minh châu Âu (EU). Các nhà lập pháp sau đó đã bỏ phiếu phê chuẩn toàn bộ Luật Bản quyền sửa đổi với tỉ lệ phiếu ủng hộ áp đảo.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Song, không lâu sau đó, đã có tới tổng cộng 13 nghị sĩ tuyên bố hiệu chỉnh việc bỏ phiếu của họ.

Trong đó, với phiên bỏ phiếu đầu tiên, 10 người nói muốn bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi, nhưng thực tế đã bấm nhầm nút thành phiếu chống. Ngược lại, 2 nhà lập pháp khác đã bấm nhầm nút từ chống thành ủng hộ. Một nghị sĩ lại tuyên bố muốn bỏ phiếu trắng nhưng không thành.

Theo hướng dẫn bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu, các nghị sĩ có thể đăng ký hiệu chỉnh việc bỏ phiếu/biểu quyết của họ, nhưng với điều kiện không làm thay đổi kết quả thực tế, đã được công nhận sau khi cuộc bỏ phiếu hoàn tất.

Marietje Schaake, một nghị sĩ thuộc Đảng Liên minh Những người Tự do và Dân chủ vì châu Âu đã thu hút sự chú ý của dư luận về việc các nhà lập pháp bỏ phiếu "nhầm" khi đăng tải thông tin trên Twitter. Bà Schaake cho rằng, kết quả thay đổi sau hiệu chỉnh bỏ phiếu đủ để cho phép Nghị viện châu Âu tái mở lại tranh luận sửa đổi Luật bản quyền và có thể mở đường cho việc điều chỉnh hoặc xóa bỏ các điều 11 và 13 trong luật.

Tuy nhiên, một số người cảm thấy khó tin khi có quá nhiều nghị sĩ lại "bất cẩn" đến như vậy trong một cuộc bỏ phiếu quan trọng của Nghị viện châu Âu. Họ nhận định, những nhà lập pháp này có thể muốn thoát khỏi sự chỉ trích nhắm bằng cách tuyên bố họ muốn bỏ phiếu ủng hộ việc xem xét cải cách luật một cách kỹ lưỡng hơn.

Luật bản quyền vừa được Nghị viện châu Âu thông qua đã bổ sung nhiều điểm vào luật cũ có từ năm 2001, khi các nền tảng số hóa như Facebook, Google hay YouTube chưa tồn tại. Theo quy định mới, các nền tảng số hóa trên mạng phải trả tiền cho tác giả khi đăng tải các bài báo, tin tức, phóng sự cũng như phim ảnh và các tác phẩm nghệ thuật khác.

Các nước thành viên EU hiện có 2 năm để sửa đổi luật của nước họ cho phù hợp với quy định mới. Luật bản quyền mới sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2021 trên toàn lãnh thổ châu Âu.

Tuấn Anh