Báo Aawsat dẫn lời Khaled Yamout, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Mohammed của Morocco ở Rabat, khuyến cáo sự thay đổi của nhóm Hồi giáo cực đoan National Thowheeth Jama'ath bên trong Sri Lanka - đứng sau loạt vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào các nhà thờ và khách sạn ngày 21/4 - không tách rời sự biến đổi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau những thất bại ở Iraq và Syria.

{keywords}
Hiện trường một vụ tấn công khủng bố ở Sri Lanka ngày 21/4. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Yamout, sau khi Mỹ tuyên bố chiến thắng IS đầu năm 2019, tổ chức khủng bố này nhanh chóng biến đổi và thích nghi với thực tế mới với tốc độ khiến nhiều chuyên gia phải ngạc nhiên. Đặc biệt, cách tiếp cận mới của tổ chức này trái ngược hoàn toàn với những nền tảng mà chúng xây dựng.

IS ban đầu được thiết lập dựa trên một "triết lý" đơn lẻ và gắn với thành lập một vương quốc, tự nhận là nhà nước thống nhất. Nó dựa trên một mạng lưới các thành viên theo hệ tư tưởng tôn giáo bạo lực, cam kết trung thành với trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi. Cùng lúc, IS tuyên bố các chi nhánh toàn cầu của tổ chức này hành động độc lập với nhau và trong cách xác định các mục tiêu tấn công.

Hồi tháng 1, cảnh sát Sri Lanka thông báo bắt giữ 4 thành viên của một nhóm khủng bố mới thành lập. Ít tháng sau đó, tên của nhóm này - National Thowheeth Jama'ath – có liên quan đến loạt vụ đánh bom lễ Phục sinh và IS.

Trong lần xuất hiện đầu tiên sau 5 năm ẩn bóng, Abu Bakr al-Baghdadi ca ngợi loạt vụ tấn công ở Sri Lanka và tuyên bố nhận trách nhiệm, nói rằng đây là sự trả thù cho những thất bại của IS ở Baghouz - thành trì cuối cùng của tổ chức này ở Syria.

National Thowheeth Jama'ath, do Moulvi Zahran Hashim đứng đầu, được xem là một nhóm tôn giáo chuyên về cứu trợ xã hội và cung cấp các nghiên cứu tôn giáo. Đến năm 2016, nhóm thể hiện tư tưởng cực đoan khi tấn công các tín đồ đạo Phật và Hindu ở Sri Lanka. Khi đó, các nhà chức trách đã bắt giữ phát ngôn viên cũng là thủ lĩnh của nhóm vì tội kích động sắc tộc. Cùng năm, đối tượng được thả.

Năm 2016, các nhà chức trách Sri Lanka thừa nhận 32 người Hồi giáo từ nước này đã tới Syria và Iraq để gia nhập IS. Thông tin cho thấy một số phần tử cực đoan đã trở về quê nhà sau khi IS bị đánh tan tác, làm dấy lên nguy cơ khủng bố ở Đông Nam Á.

Bằng loạt vụ tấn công ngày 21/4, IS dường như muốn để lại dấu ấn về hình thức khủng bố mới, đó là giết chết nhiều người nước ngoài nhất có thể và nhắm tới hạ tầng kinh tế của một quốc gia. Và qua đó, IS muốn chứng tỏ khả năng sử dụng các nhóm địa phương, hành động như người bảo trợ và "độc quyền" về các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới. Đổi lại, các nhóm khủng bố khác nhau càng muốn mang danh IS để chiêu dụng các thành viên mới.

Rõ ràng, IS đang "biến hình" mạnh mẽ và các cuộc tấn công khủng bố liên quan tổ chức này đang thực sự là một thách thức đối với liên minh quốc tế chống khủng bố.

Thanh Hảo