Putin trả đũa
Nước Nga của tổng thống Vladimir Putin sẽ loại đồng USD ra khỏi Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF) trong vòng một tháng tới như một lời đáp trả cho những lệnh trừng phạt cứng rắn của tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 4 vừa qua.
Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov được Reuters trích dẫn tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg hôm 3/6 vừa qua. Theo đó, Nga đang cắt bỏ đồng USD ra khỏi NWF trị giá 186 tỷ USD trong bối cảnh Washington tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow.
Sau khi hoàn tất việc loại bỏ đồng USD ra khỏi NWF, tỷ trọng tài sản đồng Euro trong quỹ dự kiến sẽ ở mức 40%, đồng Nhân dân tệ là 30% và vàng là 20%. Trong khi đó, đồng yên Nhật và đồng bảng Anh có thể sẽ chiếm 5% mỗi loại.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cũng cho biết ngân hàng này đang chuyển sang dự trữ vàng và đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc thay cho đồng USD, Euro. Dự trữ ngoại hối của Nga bằng đồng USD trong năm 2020 đã giảm 3,3 điểm phần trăm xuống 21,2%. Trong khi dự trữ vàng tăng mạnh từ 19,5% lên 23,3%.
Joe Biden cứng rắn, Putin quyết hạ sức mạnh Mỹ |
Nước Nga của ông Putin đẩy mạnh đa dạng hóa dự trữ quốc gia kể từ khi Washington bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng tay vào năm 2014, nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào USD. Năm 2019, lần đầu tiên tỷ lệ dự trữ vàng thỏi của Nga vượt qua tỷ lệ USD.
Trong khoảng một năm qua, đồng NDT của Trung Quốc tăng mạnh và đang thách thức “quyền lực mềm” nước Mỹ. Đồng USD suy giảm nhanh chóng, trong khi đó đồng NDT tăng mạnh và thị trường tiền số sôi động.
Áp lực đối với đồng tiền dự trữ số 1 của thế giới ngày càng lớn khi mà lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hạ nhiệt, triển vọng phục hồi của các nền kinh tế ngoài Mỹ khởi sắc, chính quyền ông Joe Biden tính bơm thêm nhiều nghìn tỷ USD vào nền kinh tế và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Không chỉ nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trong thương mại quốc tế, Trung Quốc còn đẩy mạnh thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (eCNY). Theo Reuters, Trung Quốc là nước có triển vọng trong cuộc đua toàn cầu về tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương (CBDC). Nước này đã tiến hành các thử nghiệm ở một số thành phố lớn như Thâm Quyến và Thượng Hải.
Cũng theo Reuters, chính quyền thủ đô Bắc Kinh vừa cho biết này sẽ phát hành xổ số vào tháng Sáu, trao thưởng là ví điện tử miễn phí có 200 Nhân dân tệ điện tử - eCNY (31,34 USD) cho người thắng cuộc - một thử nghiệm mới với đồng tiền số này.
Hành động này không chỉ làm suy yếu vị thế của Alipay và WeChat Pay của các ông lớn công nghệ trong nước Ant Group và Tencent mà còn được xem như là một động thái mới trong nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT và giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng toàn cầu mà đồng USD chiếm ưu thế.
Biến động đồng USD trong vòng 1 năm qua. |
Cuộc chiến trong thập kỷ mới
Sự nổi lên của đồng NDT trong thanh toán quốc tế cũng như dự trữ cùng với sự sụt giảm nhanh chóng của đồng USD trong khoảng 2 năm qua cho thấy một cuộc chiến dữ dội có thể sắp diễn ra trên thị trường tài chính và tiền tệ quốc tế.
Thị trường tài chính gần đây cũng thay đổi mạnh mẽ khi dòng tiền không còn chủ yếu đổ vào vàng và đồng USD mỗi khi khủng hoảng hay lạm phát lên cao như trong quá khứ. Dòng tiền giờ đây còn có một đích đến mới. Đó là thị trường tiền kỹ thuật số và tiền mã hóa.
Thị trường tiền điện tử toàn cầu gần đây sụt giảm sau khi tỷ phú Elon Musk tuyên bố Tesla không dùng đồng Bitcoin trong thanh toán và Bắc Kinh tiếp tục nhấn mạnh việc cấm các tổ chức tài chính và thanh toán sử dụng các đồng tiền điện tử.
Đợt lao dốc đã xóa sổ khoảng 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của tiền điện tử ước đạt 2.500 tỷ USD trước đó. Tuy nhiên, gần đây nhiều đồng tiền đang hồi phục trở lại và thị trường tiền số vẫn khá sôi động.
Trong khi đó, đồng USD vẫn không ngừng đi xuống. So với mức cao kỷ lục thiết lập vào tháng 3/2020, chỉ số đo lường biến động đồng USD đã giảm khoảng 15%. Nhiều quỹ đầu tư lớn dự báo đồng USD sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian tới.
USD sẽ mất giá bởi sự mềm mỏng của Fed và tâm lý đánh cược vào các loại tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu của các nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó là sự nổi lên của đồng NDT, sự hồi phục của đồng euro và bảng Anh và nhiều đồng tiền điện tử.
Trung Quốc thách thức quyền lực mềm Mỹ. |
Vài năm gần đây, Trung Quốc ráo riết thúc đẩy vị thế của đồng NDT cũng như chuẩn bị cho sự ra đời của đồng NDT kỹ thuật số do PBOC phát hành. Đồng eCNY đã được dùng tại nhiều nơi, trong đó có những cửa hàng Starbucks và McDonald’s ở Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang dẫn đầu xu hướng mới khi trở thành nước đi đầu trong việc phát hành tiền điện tử. Tham vọng của Bắc Kinh có lẽ không gì khác là làm lung lay sức mạnh của đồng USD, một trong những trụ cột quan trọng nhất của kinh tế Mỹ.
Cùng với những bước đi của Nga, Bắc Kinh đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc nâng cao vị thế đồng NDT và làm suy yếu vai trò của đồng USD trong thương mại và dự trữ. Tuy nhiên, cuộc chiến quyền lực mềm này có lẽ sẽ còn kéo dài một hoặc nhiều thập kỷ tới. Mỹ vẫn là nền kinh tế số 1, đa dạng và sáng tạo nhất. Sức mạnh của đồng USD vẫn còn rất lớn.
Tỷ lệ tài sản bằng đồng USD trong dự trữ ngoại hối của thế giới đã giảm năm thứ 5 liên tiếp, chỉ chiếm tỷ trọng dưới 60% song vẫn là một tỷ lệ rất lớn. Trong khi đó, tỷ lệ của đồng NDT còn quá thấp. Thách thức lớn nhất với đồng bạc xanh có lẽ chưa hẳn là đồng NDT mà là những thực thể mới, có thể xuất hiện trên thị trường số.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina chia sẻ trên CNBC hồi đầu tuần cho rằng tiền tệ kỹ thuật số sẽ là tương lai của hệ thống tài chính của Nga vì tiền số tương quan với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.
M. Hà
USD suy giảm liên tục, dân giàu ôm đô la lo lắng
Thị trường tài chính thế giới diễn biến bất thường, đồng USD liên tục giảm trong những tuần gần đây. Nhiều dự báo khiến những người cầm đồng bạc xanh lo lắng khi mà kinh tế Việt Nam được cho là sẽ nằm top tăng trưởng cao nhất.