Hai chuyển biến rõ nét của Lạng Sơn

Chiều ngày 20/5, đoàn công tác của Bộ TT&TT do Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về chuyển đổi số tại địa phương. Lạng Sơn là 1 trong những tỉnh Bộ TT&TT biệt phái cán bộ về hỗ trợ triển khai chuyển đổi số.

Đoàn công tác Bộ TT&TT làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về chuyển đổi số tại địa phương (Ảnh: Đức Huy)

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà khẳng định thúc đẩy ứng dụng CNTT, chuyển đổi số được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ 5 trụ cột chuyển đổi số của tỉnh gồm chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số.

Bà Đoàn Thu Hà cũng cho biết, chuyển đổi số tại Lạng Sơn đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả chuyển đổi số đã tác động rất mạnh mẽ đến đời sống người dân, đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Bà Đoàn Thu Hà nhấn mạnh, Sở TT&TT là cơ quan đóng vai trò dẫn dắt đặc biệt quan trọng trong chuyển đổi số tại Lạng Sơn (Ảnh: Đức Huy)

Chuyển đổi số đã có sự đóng góp rất quan trọng vào việc nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lạng Sơn. Cụ thể, năm 2021, chỉ số PAPI của Lạng Sơn xếp hạng 4/63 địa phương, tăng 33 bậc so với năm 2020. Với chỉ số PCI, năm ngoái, Lạng Sơn xếp thứ 36 trong cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2020. 

Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, 1 năm qua, có 2 việc Lạng Sơn đã làm rất tốt, đó là tỉnh đã ban hành được toàn bộ hệ thống văn bản làm “bộ khung” cho 5 năm tới. Lạng Sơn cũng đã quyết liệt, mạnh mẽ đưa ra được một số sáng kiến gắn thương hiệu địa phương mình để có thể nhân rộng toàn quốc, đó là mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng và cửa khẩu số.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số là một hành trình dài, 5 năm, 10 năm, thậm chí là lâu hơn (Ảnh: Đức Huy)

Báo cáo của UBND tỉnh cho hay, Lạng Sơn đã chú trọng xây dựng Tổ công nghệ cộng đồng là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện, xã đến thôn bản. Kiện toàn, thành lập được 1.684 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.776 thành viên. 

Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được tập huấn kỹ năng số, cài đặt các app, phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử. Là lực lượng chính phát triển thành công 121.204 cửa hàng số, đạt 61% số hộ gia đình có cửa hàng số; 10.718 tài khoản người mua; 102. 243 tài khoản thanh toán điện tử đạt 54% chỉ tiêu so với kế hoạch.

Hoạt động của Tổ công nghệ cộng đồng tại Lạng Sơn góp phần làm thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình. Mô hình này đã được Bộ TT&TT phổ biến để triển khai thí điểm nhân rộng trong toàn quốc thành Tổ công nghệ số cộng đồng.

Đoàn công tác Bộ TT&TT tham quan thực tế ứng dụng nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu Hữu Nghị (Ảnh: Đức Huy)

Về cửa khẩu số, từ ngày 21/2, 100% các xe hàng qua các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi vào và được các cơ quan, lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, xác nhận. Đến ngày 18/5, đã có tổng số 29.607 phương tiện xuất, nhập khẩu khai báo trên nền tảng cửa khẩu số. 

Nền tảng cửa khẩu số có thể nhân rộng cho các tỉnh, thành phố có cửa khẩu để phục vụ việc quản lý, điều hành và phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hiện các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai đã làm việc với Lạng Sơn để triển khai nền tảng cửa khẩu số tại các cửa khẩu trên địa bàn của 2 tỉnh.  

Chuyển đổi số là hành trình dài, cần duy trì nỗ lực trong nhiều năm

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chuyển đổi số tại Lạng Sơn vẫn còn vướng mắc, khó khăn: Ứng dụng công nghệ ở một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là ở địa bàn vùng sâu vùng xa; hạ tầng CNTT còn thiếu ở những địa bàn biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng yêu cầu...

Mặt khác, theo bà Đoàn Thu Hà, một số phần việc Lạng Sơn đã làm được nhưng để duy trì thì còn cần đòi hỏi các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, cố gắng.

Tại buổi làm việc, đại diện Cục Tin học hóa, Phó Cục trưởng Nguyễn Phú Tiến nêu vấn đề nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo ông, Lạng Sơn là 1 trong những địa phương đi đầu về đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức cao, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt 35% (tỷ lệ này trung bình toàn quốc là trên 23% - PV) song vẫn cần được cải thiện. Vì thế, ông Nguyễn Phú Tiến đề nghị Lạng Sơn thời gian tới có giải pháp cải thiện, nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Lạng Sơn đã đưa hơn 126.500 hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn Postmart, Vỏ Sò.

Theo Phó Vụ trưởng tập sự Vụ Bưu chính Dương Tôn Bảo, triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Lạng Sơn đã có nhiều hộ tạo tài khoản trên các sàn, tuy nhiên thời gian tới địa phương vẫn cần tập trung đẩy mạnh giao dịch, quảng bá sản phẩm để các tài khoản này tham gia giao dịch nhiều hơn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp lưu ý Lạng Sơn cần quan tâm hơn đến thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhất là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ rõ, để chuyển đổi số bền vững, cần quan tâm đến kết quả cuối cùng, đó là làm sao cho người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn. Chuyển đổi số là hành trình dài, để dẫn dắt đi đến kết quả cuối cùng cần sự nỗ lực kiên trì trong 5 năm, 10 năm. “Bộ TT&TT mong muốn lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn quan tâm, bố trí nhân lực tinh nhuệ cho Sở TT&TT để có lực lượng duy trì nỗ lực chuyển đổi số trong 5 năm, 10 năm và thậm chí lâu hơn”, Thứ trưởng nói.

Vân Anh