Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội về đề xuất xây dựng và xây dựng nhiều dự án Luật như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có chứa thủ tục hành chính. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được Quốc hội thông qua ngày 09/11/2022. 

Song song với đó, 76 thủ tục hành chính quy định tại Luật Tần số vô tuyến điện và văn bản liên quan đã được thông qua đánh giá tác động. Qua đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất xem xét ban hành mới 4 thủ tục hành chính, giữ nguyên 66 thủ tục, bãi bỏ 3 thủ tục và sửa đổi, bổ sung 3 thủ tục. 

anh chup man hinh 2023 10 24 luc 084904.png
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành 100% kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đánh giá tác động của 20 thủ tục hành chính ban hành tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-BTTTT ngày 15/10/2018 quy định Danh mục sản phẩm an toàn thông tin mạng nhập khẩu theo giấy phép và trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-BTTTT ngày 09/9/2015 quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông. 

Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung và đề xuất sửa đổi, bổ sung 20 thủ tục hành chính. Bộ cũng đã thẩm định 4 thủ tục hành chính quy định tại 2 Thông tư lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin.

Về công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. Theo đó, có 16 thủ tục hành chính đã được rà soát, thông qua phương án đơn giản hóa thuộc  các lĩnh vực: Viễn thông và Internet, Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Xuất bản, in và phát hành. 

Ngoài các thủ tục hành chính đã rà soát, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng văn bản quản lý nhà nước theo tình hình thực tiễn.

Bộ tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1994/QĐ-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2020 - 2025.

Bộ cũng thực hiện đầy đủ các quy định về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Đồng thời, tiếp nhận, phân loại, chuyển các cơ quan, đơn vị có liên quan trả lời đầy đủ phản ánh, kiến nghị qua Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định. 

Bên cạnh đó, các công chức thuộc Bộ phận Kiểm soát thủ tục hành chính thường xuyên hướng dẫn, trao đổi về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng như các Sở Thông tin và Truyền thông. Đồng thời giải đáp đầy đủ các câu hỏi do cá nhân, tổ chức gọi đến qua số điện thoại công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận giải quyết 74.065 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực; trong đó có 27.766 hồ sơ mới tiếp nhận trực tuyến và 45.735 hồ sơ mới tiếp nhận trực tiếp hoặc dịch vụ bưu chính, 564 hồ sơ được chuyển qua từ kỳ trước. Số lượng hồ sơ đã giải quyết: 72.632; trong đó, giải quyết trước hạn: 6.167, đúng hạn: 66.423, quá hạn: 42. Số lượng hồ sơ đang giải quyết: 1.433.

Thực hiện các quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giải quyết toàn bộ các thủ tục hành chính đủ điều kiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Toàn bộ các thủ tục hành chính đều được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính công bố đầy đủ tại địa điểm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án (Quyết định số 1212/QĐ-BTTTT ngày 12/8/2021), đồng thời tiếp tục hoàn thiện Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

Tiếp tục thông tin, tuyên truyền khuyến khích các tổ chức, cá nhân đang sử dụng hồ sơ và giấy phép giấy chuyển sang sử dụng hồ sơ và giấy phép điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến mà Bộ cung cấp…

Bộ cũng tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các đoàn khảo sát, làm việc với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác xây dựng cơ chế, chính sách, thực thi và hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã hoàn thành xây dựng phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 30/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ. 

Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là một trong số ít các Bộ đã hoàn thành mục tiêu xây dựng phương án phân cấp ít nhất 20% thủ tục hành chính giai đoạn 2022 - 2025 (66/300 thủ tục hành chính; đạt tỷ lệ 22%).

Thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong giai đoạn 2022 - 2025, Bộ đã ban hành Quyết định số 1865/QĐ-BTTTT ngày 05/10/2022 về kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2022 - 2025.

Hoàn thành nhiệm vụ cập nhật, chuẩn hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính và hồ sơ thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đối với 307 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo đúng Kế hoạch 905/QĐ-BTTTT ngày 12/5/2022 của Bộ về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Với vai trò là Cơ quan thường trực của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ 8 giải pháp để nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Qua đó giúp các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nội dung nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra.

Thuý Vy