Có Nghị định vẫn kiến nghị “giải cứu”

Trong kiến nghị vừa gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.

Theo Hiệp hội, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành thì Sở Tài nguyên Môi trường cấp tỉnh đã có thể thực hiện được thủ tục cấp "sổ hồng" cho căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch, cửa hàng du lịch (shophouse du lịch), căn hộ văn phòng… trong các dự án đầu tư xây dựng có chức năng lưu trú, du lịch.

Còn đối với các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ (quy định tại Điều 153 Luật Đất đai 2013) thuộc loại đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn theo thời hạn của dự án, tối đa không quá 50 năm và được xem xét gia hạn quyền sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu, theo quy định của pháp luật về đất đai.

Việc các địa phương tùy tiện đặt ra khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương thanh kiểm tra, kết luận là trái với các quy định của Luật Đất đai

Riêng trường hợp căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment) nằm trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp thì được áp dụng chế độ sử dụng đất ở (ổn định lâu dài) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 43/2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 01/2017. 

Tuy nhiên, theo HoREA, hiện nay có hiện tượng "lạ" là mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2022 rất cụ thể và hợp lý, nhưng mới đây vẫn có một số hội, hiệp hội tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo để tiếp tục kiến nghị "giải cứu" bất động sản du lịch.

Theo đó, nhiều đề nghị đưa ra như cần phải định danh cho bất động sản du lịch hoặc gỡ nút thắt pháp lý để thị trường bất động sản du lịch phát triển hoặc cần tạo dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch hay cần sớm giải quyết khối tài sản 30 tỷ USD đang “mắc kẹt” để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư; hoặc cần phải luật hóa “đất ở không hình thành đơn vị ở”; đến vấn đề cần phải có các văn bản dưới luật về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho bất động sản du lịch.  

“Hiệp hội nhận thấy, tất cả các “kiến nghị” trên đây đều đã được xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành của Luật Đất đai 2013, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Thông tư 03/2021/TT-BXD và nhất là sau khi Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6/1/2022 (có hiệu lực từ 1/3/2022)” – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

“Luật hoá đất ở không hình thành đơn vị ở” có dấu hiệu lợi ích cục bộ

Cũng tại văn bản này, Hiệp hội nêu lên quan điểm về kiến nghị “luật hóa đất ở không hình thành đơn vị ở”. Đây cũng là một mục tiêu trọng tâm của các cuộc “tọa đàm”, “hội thảo khoa học” vừa qua. 

Hiệp hội thẳng thắn cho rằng, kiến nghị "luật hóa đất ở không hình thành đơn vị ở" nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư có dấu hiệu “lợi ích cục bộ” chứ không hẳn là vì sự phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản du lịch.

HoREA cũng phân tích nêu lên sự không phù hợp và không có tính "logic" với Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị "Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" trong đó không có định hướng về các khu du lịch nghỉ dưỡng có loại “đất ở không hình thành đơn vị ở”.

Hiệp hội nêu lên thực tế có một số địa phương tuỳ tiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ du lịch (condotel) trên đất ở không hình thành đơn vị ở. Trong khi đó, việc các địa phương tùy tiện đặt ra khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương kiểm tra, thanh tra, kết luận là trái với các quy định của Luật Đất đai.

“Ý kiến đề nghị “luật hóa đất ở không hình thành đơn vị ở” là không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành” – văn bản của HoREA gửi Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Xây dựng nêu rõ. 

Sổ đỏ cho condotel: "Địa phương nào sai phải điều chỉnh lại"

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên chất vấn vào tháng 3 vừa qua. 

Trả lời chất vấn về pháp lý các loại hình bất động sản condotel, officetel, shophouse… Bộ trưởng khẳng định nếu nói về góc độ pháp luật đất đai thì không có vướng mắc.

Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, khi sửa đổi Luật Đất đai sẽ xem xét làm rõ các tiêu chí về đất ở, đất thương mại dịch vụ, cùng một ô đất sẽ cùng tồn tại đất ở và đất thương mại dịch vụ để có cở sở xác định rõ ràng hơn.

“Nếu là đất thương mại dịch vụ thì cấp quyền sử dụng 50 năm, hết thời hạn là thu hồi. Còn trong thời gian thực hiện dự án, vẫn cấp sổ hồng để phát huy tối ưu giá trị tài sản. Còn đất ở là cấp quyền lâu dài, địa phương nào làm sai địa phương đó phải điều chỉnh lại”, Bộ trưởng Hà khẳng định.

Vỡ mộng vì mua phải dự án condotel "đất ở không hình thành đơn vị ở"

Thực tế, thời gian qua, nhiều khách hàng bỏ tiền tỷ mua biệt thự, căn hộ condotel tại những dự án bất động sản được tỉnh Khánh Hòa sáng tác “đất ở không hình thành đơn vị ở” sai quy định đang khốn đốn khi quyền lợi không được đảm bảo.

Như một dự án gần sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa, thời gian qua, hàng chục khách hàng mua biệt thự tại dự án này đã xuống đường căng băng rôn, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đứng ra tổ chức đối thoại 3 bên.

Theo khách hàng, trong hợp đồng ký kết có ghi rõ loại hình sở hữu của thửa đất là đất ở lâu dài – Đất ở không hình thành đơn vị ở. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời gian kể từ khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng khách hàng vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành Bất động sản – Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, người mua condotel đang mơ hồ giữa sửa luật là để hợp thức, để cấp sổ đỏ lâu dài như nhà ở là hoàn toàn không có. Đã là đất ở phải có quy hoạch hạ tầng, điện đường trường trạm... phục vụ cho việc để ở. Còn đây là đất kinh doanh thương mại, dịch vụ. 

“Không có chuyện sửa đổi luật để hợp lý hóa sổ đỏ lâu dài cho loại hình bất động sản này nếu nó được xây trên đất thương mại dịch vụ. Sửa luật ở đây là để bổ sung tránh hiện tượng chủ đầu tư lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật, trong khi đó người dân hiểu rõ được bản chất của loại hình bất động sản này để đầu tư”- ông Lượng nói.

Thuận Phong 

Sổ đỏ cho condotel, Bộ trưởng nói thẳng: 'Địa phương nào sai phải điều chỉnh lại'

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) khẳng định đất thương mại dịch vụ thì cấp quyền sử dụng 50 năm, vẫn có thể cấp sổ hồng, hết thời hạn là thu hồi, đất ở là cấp quyền lâu dài, địa phương nào làm sai phải điều chỉnh.