Nhiều điểm nhấn ấn tượng, hút khách

Thống kê từ Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tính đến 2/5, lượng khách nội địa đến TP.HCM ước khoảng 320.000 lượt, tăng 71% so với cùng kỳ; khách quốc tế ước khoảng 48.000 lượt, tăng xấp xỉ 264%. Trong đó, khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú khoảng 180.000 lượt, công suất phòng đạt khoảng 70-75%.

Doanh thu ngành du lịch ước đạt hơn 3.130 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với kỳ nghỉ lễ này năm ngoái (1.610 tỷ đồng).

Lũy kế bốn tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã đón được hơn 1,3 triệu khách quốc tế (tăng 1.107% so với cùng kỳ năm 2022) và 10,5 triệu khách du lịch nội địa (tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng doanh thu hơn 51.000 tỷ đồng.

Khách tham quan chụp ảnh tại trụ sở UBND TP.HCM (ảnh Nguyễn Huế)

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, bên cạnh 60 sản phẩm du lịch nội đô, chương trình tham quan trụ sở HĐND và UBND TP.HCM là điểm nhấn đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức. Sau 2 ngày, đã có 1.500 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. 

Trong khi đó, du lịch Hà Nội kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 cũng có nhiều hoạt động đặc sắc, mới lạ. Sở Du lịch TP phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức triển khai vận chuyển miễn phí cho du khách tham quan Thủ đô bằng xe buýt hai tầng. Ước tính trong 5 ngày nghỉ lễ, TP đã thực hiện 127 chuyến xe với hơn 6.681 lượt khách tham quan trải nghiệm.

Việc miễn phí vé trải nghiệm du lịch Thủ đô bằng xe buýt hai tầng đã mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, đặc biệt hấp dẫn kéo du khách đến với Hà Nội. 

Nhờ đó, trong 5 ngày nghỉ lễ, Thủ đô Hà Nội đã đón 719.000 lượt khách, gồm 69.500 lượt khách quốc tế và 650.000 lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.400 tỷ đồng. 

Khách nhịn ăn, chờ nhiều tiếng đồng hồ để được lên xe buýt hai tầng miễn phí tham quan Thủ đô (Ảnh: Linh Trang)

Lượng khách đến các điểm tham quan, khu vui chơi tăng trưởng mạnh mẽ, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám với khoảng 30.000 lượt khách; Hoàng Thành Thăng Long với 31.400 lượt khách; Vườn quốc gia Ba Vì đón 17.000 lượt khách; Bảo tàng dân tộc học đón 11.000 lượt khách; Di tích Nhà tù Hoả Lò đón 27.410 lượt khách;… và tại 3 điểm du lịch: Bát Tràng, Dương Xá, Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm đón 40.000 lượt khách.

Đông kỷ lục, vượt xa kỳ vọng

Tuy có mưa dông trong ngày nghỉ lễ đầu tiên ở các tỉnh phía Bắc khiến khách ngại đi chơi, nhưng sau đó thời tiết chuyển nắng đẹp, cùng với giao thông thuận tiện nên Thanh Hóa là một trong những địa phương đón lượng khách đông nhất cả nước.

Sở VH-TT&DL Thanh Hóa thông tin, trong 5 ngày nghỉ lễ (29/4-3/5), địa phương ước đón gần 1,2 triệu lượt khách, tăng trên 33% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ du lịch đạt gần 3.000 tỷ đồng. 

Khách du lịch chủ yếu đến Sầm Sơn (850 nghìn lượt), Nghi Sơn (gần 80 nghìn lượt), biển Hải Tiến - Hoằng Hóa (77.000 lượt),… Trong đó, khách lưu trú đạt khoảng 690 nghìn lượt; công suất sử dụng phòng đạt 81,5% và lên tới 100% tại các khách sạn 3-5 sao ở Sầm Sơn, Hải Tiến, Pù Luông.

Khách đổ đến Vũng Tàu tắm biển, trốn nóng (Ảnh: Quang Hưng)

Cũng trái với lo lắng ban đầu khi khách đặt phòng ít ỏi, số phòng trống còn nhiều, thì những ngày sau của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, khách đến Khánh Hòa bất ngờ tăng cao. 

Sở Du lịch Khánh Hòa cho hay, từ 29/4-3/5, bình quân mỗi ngày có khoảng 38 chuyến bay nội địa và 23 chuyến bay quốc tế đến sân bay Cam Ranh. Đường sắt cũng tăng cường thêm 4-6 đôi tàu mỗi ngày tuyến Nha Trang - TP.HCM và ngược lại, ngoài 1 đôi tàu chạy hàng ngày. Cộng với lượng khách đi xe cá nhân rất đông nên lượng khách đặt phòng liên tục ‘nhảy múa’.

Ước tính, trong 5 ngày nghỉ lễ, Khánh Hòa đón 798.100 lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 854 tỷ đồng. Tổng lượt khách tăng khoảng 2,5 lần so với năm ngoái.

Trong đó, có gần 200.000 lượt khách lưu trú, với 181.000 lượt khách nội địa và gần 18.500 lượt khách quốc tế. Công suất phòng bình quân đạt 87,8%; riêng các khu nghỉ dưỡng ở Bãi Dài và resort khép kín ở các đảo đạt trên 90%. Ngoài ra là 598.500 lượt khách tham quan.

Quảng Ninh cũng là một trong số các địa phương phía Bắc đón được lượng khách đông đảo. Trong 4 ngày nghỉ lễ (29/4-2/5), có 624.377 lượt khách đã đến đây.

Trong đó, khách chủ yếu đến tham quan vịnh Hạ Long với 65.465 lượt (khách quốc tế đạt 18.541 lượt); Khu danh thắng di tích Yên Tử với 11.150 lượt; chùa Ba Vàng khoảng 27.000 lượt; Bảo tàng Quảng Ninh với 30.966 lượt và Công viên Đại dương đón 64.000 lượt khách.

Công suất phòng các khách sạn 4-5 sao ở Quảng Ninh ước đạt 70%, các cơ sở lưu trú khác đạt 60%.

Tại Đà Nẵng, Sở Du lịch TP cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ (29/4-3/5), tổng lượt khách tham quan, du lịch TP ước đạt khoảng 321.620 lượt, tăng 26,6% so với năm 2022.

Khách nườm nượp mua sắm tại chợ đêm Đà Nẵng (Ảnh: Hồ Giáp)

Trong đó, khách nội địa ước đạt 286.820 lượt, tăng 16,3%; khách quốc tế ước đạt 34.800 lượt, tăng 4,7 lần so với năm 2022.

Trong 5 ngày nghỉ lễ, 91 chuyến bay và ngành đường sắt, ô tô khách và xe cá nhân đã chở đến Bình Định gần 250.000 lượt khách, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu ước đạt 257,2 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với việc đăng cai Năm du lịch quốc gia 2023, Sở VH-TT&DL Bình Thuận cho biết, dịp nghỉ lễ này, toàn tỉnh ước đón 160.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng bình quân khoảng 70-90%, doanh thu ước khoảng 230 tỷ đồng.

Khách đến Thừa Thiên - Huế cũng tăng đột biến. Theo Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, ước tính, cố đô Huế đón gần 100.000 lượt khách, tăng 80% so với cùng kỳ 2022; trong đó có khoảng 36.300 khách quốc tế, tăng gấp 26 lần so với năm 2022. Doanh thu du lịch ước đạt 153 tỷ đồng, tăng 80% so với ngoái. 

Theo số liệu Tổng cục Du lịch, trong 5 ngày nghỉ lễ, Việt Nam đã đón và phục vụ 7,3 triệu lượt du khách nội địa và quốc tế. Trong đó, Phú Thọ là địa phương dẫn đầu cả nước với 5,4 triệu lượt khách, tiếp đến là Thanh Hóa, Cần Thơ, TP.HCM, Khánh Hòa, Nghệ An và Hà Nội. Tổng doanh thu toàn ngành trong dịp nghỉ lễ khoảng 24.000 tỷ đồng.