Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 11/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 1,6% so với tháng 11/2022. 

Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,1 tỷ USD. Trong đó, sản phẩm gỗ thu về gần 8,24 tỷ USD, các sản phẩm khác có kim ngạch 3,88 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu dù giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng gỗ và sản phẩm gỗ vẫn giữ vị trí số 1 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp. 

xuat khau go.jpg
Kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,1 tỷ USD (Ảnh: Đồng Gia)

Đáng chú ý, xuất siêu ngành hàng này đạt tới 10,13 tỷ USD chỉ trong 11 tháng năm 2023. Đây cũng là ngành hàng xuất siêu nhiều nhất ngành nông nghiệp.

Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 6,56 tỷ USD, chiếm 54,2% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng năm 2023. 

Thị trường Trung Quốc và Nhật Bản có kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 1,55 tỷ USD và 1,52 tỷ USD.

Những năm gần đây, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ được thị trường Mỹ ưa chuộng, giá trị xuất khẩu từ con số gần 3,9 tỷ USD năm 2018 đã tăng lên mốc 8,66 tỷ USD năm 2022. Xuất khẩu sang Mỹ đều chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm đáng kể. Bởi, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lạm phát cao, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao.

Song hàng tồn kho tại Mỹ dự báo đến cuối năm 2023 sẽ giảm về mức 0%. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, từ tháng 9 năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ có tín hiệu phục hồi.

Theo Bộ Công Thương, sản phẩm ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ đều là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam xuất sang Mỹ. Tỷ trọng nhập khẩu những mặt hàng này của Mỹ từ Việt Nam khá lớn. Điều này cho thấy, các sản phẩm nội thất của Việt Nam đã và đang đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhất là về giá cả.

Cùng với đó là về chất lượng, yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn sản xuất xanh, chuỗi cung ứng sạch và bền vững. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó.