Buổi ra mắt cuốn sách tái bản "Kiến trúc Pháp - Đông Dương: Những viên ngọc quý tại Hà Nội" của tác giả Trần Hữu Phúc Tiến cùng nhóm biên soạn vừa được tổ chức tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam – Pháp.

Với nhiều tư liệu quý, hình ảnh bản thiết kế các công trình, cùng lời thuyết minh bằng ba ngôn ngữ Việt - Pháp - Anh, cuốn sách sẽ giúp độc giả hiểu hơn về những di sản, giá trị văn hóa, lịch sử thông qua những câu chuyện về công trình kiến trúc Pháp Đông Dương nổi tiếng tại Hà Nội.

Cuốn sách đưa người đọc khám phá 37 công trình tiêu biểu, đã được tác giả cùng nhóm biên soạn phân chia theo quận, địa bàn, địa phương. Cách thiết kế khoa học và trực quan sinh động đó như mời bạn đọc "dạo bước" trên từng trang sách, bắt đầu từ trung tâm chính trị  Quảng trường Ba Đình, tới điểm cuối là Cầu Doumer - cầu Long Biên.

Theo tác giả Trần Hữu Phúc Tiến cho biết, nguồn dữ liệu của cuốn sách lấy từ tài liệu lưu trữ, vì thế, với công trình không tìm được tài liệu lưu trữ thì không đề cập đến.

Nhận xét về cuốn sách, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Sách viết về kiến trúc Hà Nội không mới, kể cả người nước ngoài cũng từng tổ chức biên soạn và công bố sách về đề tài này. Chính ngay Cục Lưu trữ kết hợp với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở Hà Nội (EFEO) cũng từng xuất bản một cuốn chủ yếu giới thiệu các bản vẽ thiết kế được lưu trữ tại Việt Nam và Pháp. Nhưng cuốn sách lần này được xuất bản với đẳng cấp như "album nghệ thuật" với khổ sách lớn hơn, dày xấp xỉ 300 trang, bìa cứng có cả bìa bao. Nét nổi trội so với các ấn phẩm trước là bên cạnh những bản vẽ thiết kế là những tấm ảnh tư liệu được sưu tầm và lựa chọn kỹ cũng lời thuyết minh bằng 3 thứ tiếng, được thực hiện bởi một nhà báo có nhiều kinh nghiệm, kết hợp cả 2 phẩm chất nghiêm túc về khoa học và uyển chuyển về chữ nghĩa.

“Sách đề cập đến những công trình kiến trúc được ví như "những viên ngọc quý" ở Hà Nội. Có thể đối tượng khảo tả không mới, vẫn là Nhà hát lớn, Cầu Doumer, Viện Pasteur, Bảo tàng Louis Finot… nhưng cách khảo tả, lựa chọn ảnh và tư liệu cũng có phần tinh tế hơn… Có cả những công trình mà không ít người tự cho là biết nhiều về Hà Nội nhưng nhờ đọc cuốn sách này thì cũng mới lần đầu được tiếp cận, ví như ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu, là ngôi nhà Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn sinh thời sống cùng gia đình; hay tòa biệt thự 18 Tôn Đản, vốn là khu nhà Giám đốc Tài chính Đông Dương, đã có lúc được dành cho các nhân vật đại diện đầu tiên của Hoa Kỳ đến Hà Nội ngay sau ngày Cách mạng thành công, tá túc...”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Phạm Bình Minh, Lê Thanh Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Trang