Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã có bộ sưu tập khá dày tác phẩm về mảnh đất ngàn năm văn hiến mang phong vị của cả khảo cứu lẫn tùy bút, trong đó có thể kể tới: 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, Me Tư Hồng, Chuyện quanh quanh Dâm Đàm, Chuyện Thăng Long Kẻ - Hà Nội Hàng…

Và mới đây, ông lại giúp độc giả khám phá thêm nhiều nét thú vị vừa gần gũi vừa mới lạ liên quan tới đất và người Hà thành thông qua 400 trang sách của tập tản văn “Hà Nội còn một chút này” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết ấn hành với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.

ha noi con mot chut nay 1.jpg
Bìa cuốn sách. 

Cuốn sách tập hợp những câu chuyện nhỏ với đa dạng chủ đề từ cổ chí kim, liên quan tới nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, văn hóa…, được tác giả tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau, thể hiện qua giọng điệu hóm hỉnh, với tâm niệm phải kể những điều độc đáo, những câu chuyện khiến người khác muốn nghe và không có sẵn trên Internet.

Bằng trải nghiệm thực tế của một người gắn bó lâu năm với Hà Nội cùng những điều tra, khảo cứu qua thư tịch, sách vở, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến gợi mở nhiều vấn đề tưởng chừng rất gần gũi trong đời sống cư dân song thực tế lại rất ít người có thể cắt nghĩa, giải thích một cách thấu đáo. Chẳng hạn: Tên Kẻ Chợ có từ bao giờ? Tại sao lại gọi là Bờ Hồ? Tại sao nước Hồ Gươm lại xanh? Quần phăng là gì? Trang phục Tết của người giàu xưa ra sao? Từ bao giờ và làm thế nào mà giọng pha tạp của người tứ chiếng đến Hà Nội dần trở thành giọng chuẩn của phương ngữ Bắc? Vì sao nhà ở Hà Nội ôm hết vỉa hè? Văn hóa trà đá vỉa hè có từ khi nào? Vì sao lại gọi là Chợ Giời? Hàng bánh mỳ đầu tiên của Hà Nội nằm ở đâu?...

Dân kinh kỳ nổi tiếng với những thú chơi độc lạ, nhưng ít ai biết tường tận để kể lại một thời chơi chó, chơi xe, chơi lô đề cười ra nước mắt như Nguyễn Ngọc Tiến. Những phố, những cửa ô, ga tàu, khu chợ, nhà hàng,… tất thảy đều hiện lên mới lạ dưới ngòi búi của nhà văn này. 

"Thăng Long, Hà Nội xưa có tầng lớp buôn bán, trung lưu, có thời gian, có điều kiện, họ chế biến, cải tiến những món ăn theo cách riêng của mình. Cái chính để làm nên nét tinh tế, đẹp đẽ của ẩm thực Hà Nội chính là người ăn. Từ sự góp ý của người sành điệu, cách nấu, cách chế biến để sao cho món ăn ngon hơn. Hay từ việc có điều kiện, người Hà Nội lựa chọn nguồn thực phẩm đầu vào có chất lượng cũng góp phần tăng lên sự cầu kì, sành điệu của ẩm thực Hà Nội", Nguyễn Ngọc Tiến lý giải một lát cắt trong dòng chảy đời sống ẩm thực của người Hà Nội.

Cùng với đó, những thói quen, câu nói cửa miệng ở những thời điểm cụ thể như tên gọi “ông Khốt, bà Khốt”, hay “quỷ lùn Tréc-lơ-mo”… cũng được tác giả nhắc tới để độc giả có thêm những góc nhìn thú vị hơn về nếp sống thị thành của người Hà Nội trong những thời điểm lịch sử cụ thể. 

Không chỉ nhắc lại chuyện xưa, trong “Hà Nội còn một chút này”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến còn đề cập tới nhiều vấn đề của Hà Nội nay, song chỉ là một vài câu chuyện điểm qua, có thể do người kể chuyện tự thấy mình chưa đủ thông tin hoặc thông tin chưa chắc chắn để có thể phân tích một cách sâu sắc, kỹ lưỡng.

Chia sẻ về sự kỳ công khi viết “Hà Nội còn một chút này”, nhà văn cho biết: “Ngoài việc phát hiện các đề tài mới, lạ, các thông tin mà ít người biết, thì còn phải làm sao cho nó suôn sẻ, dễ đọc, dễ nghe, và để người ta có thể nhìn nhiều chiều của một câu chuyện mà mình viết ra”.

“Đầu tiên tôi viết là thoại để thỏa mãn bản thân mình, không nhằm mục đích xuất bản để lấy tiền. Nhưng rất may mắn là những gì tôi viết hoàn toàn phù hợp với độc giả, được nhiều người đồng cảm, cộng hưởng, thành ra cuốn sách cũng nhận được sự quan tâm của những người yêu Hà Nội”, ông Tiến chia sẻ thêm.

Có thể nói, Hà Nội là một cái tên, một vùng đất, một đề tài thật đặc biệt: người ta nói mãi, viết mãi mà dường như vẫn không hết chuyện, không thấy chán. Một trong những nhân tố giúp mạch chuyện về Hà Nội mãi chảy là nhờ những người kể chuyện có tài như Nguyễn Ngọc Tiến.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội. Ông gắn bó phần lớn cuộc đời mình với thành phố quê hương và có gần 30 năm làm phóng viên cho báo Hà Nội mới.

Tình yêu sâu đậm với nơi mình sinh ra và trưởng thành đã giúp ông có gần 2.000 bài viết 11 đầu sách về đề tài Hà Nội. Ông từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 2012.

Mới đây, ông là 1 trong 10 người được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023. Danh hiệu này là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong việc giới thiệu những nét đặc sắc của lịch sử - văn hóa Thủ đô tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Phạm Bình Minh, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thị Vân Anh