UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh năm 2024 gửi đến các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công an tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Mục đích của kế hoạch là bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng trên địa bàn tỉnh; bảo đảm khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất an toàn thông tin trên mạng; đề ra các giải pháp ứng phó khi gặp sự cố mất an toàn thông tin mạng.

Nâng cao năng lực giám sát an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh để tăng cường khả năng phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, chính xác về các sự kiện, rủi ro, dấu hiệu, hành vi, mức độ xâm hại, nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng gây mất an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ chính phủ điện tử của tỉnh.

Cùng với đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về an toàn thông tin đối với lực lượng công chức, viên chức. Bảo đảm các nguồn lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng.

W-2-copy-2-2.jpg
Một khóa đào tạo an toàn thông tin mạng tại Đại học Nha Trang.

UBND tỉnh yêu cầu căn cứ trên kết quả khảo sát, đánh giá các nguy cơ, sự cố mất an toàn thông tin mạng cửa hệ thống thông tin các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh để đưa ra phương án đối phó, ứng cứu sự cố tương ứng, kịp thời, phù hợp.

Phương án đối phó, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải đặt ra các tiêu chí để có thể nhanh chóng xác định được tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự cố khi sự cố xảy ra.

Ngoài ra, xác định cụ thể các nguồn lực, giải pháp tổ chức thực hiện và kinh phí để triển khai các nội dung của kế hoạch, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn thông tin giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; tận dụng sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Một trong các nhiệm vụ trong kế hoạch khi chưa có sự cố xảy ra là triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng đánh giá, ứng phó sự cố.

Nội dung thực hiện bao gồm tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án đối phó, ứng cứu sự cố tương ứng với các kịch bản, tình huống sự cố cụ thể; đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phối hợp, ứng cứu, chống tấn công, xử lý mã độc, khắc phục sự cố; tham gia huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, diễn tập vùng, miền, quốc gia, quốc tế theo triệu tập của Bộ Thông tin và Truyền thông.

UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông; Đội Ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Khánh Hòa thực hiện, phối hợp cùng đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thông tin (các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công an tỉnh); cơ quan điều phối quốc gia (Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC); các đơn vị liên quan trong năm 2024.

Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công an tỉnh có trách nhiệm cử cán bộ tham gia các chương trình huấn luyện, diễn tập và khóa đào tạo, tập huấn về bảo đảm an toàn thông tin mạng để nâng cao kỹ năng và công tác tham mưu, triển khai giám sát, bảo đảm an toàn thông tin.

Sở Thông tin và Truyền thông cơ quan đầu mối, chuyên trách về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm xây dựng và triển khai Kế hoạch này; tổ chức theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện kế hoạch này; định kỳ 06 tháng, cả năm báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh để theo dõi và chỉ đạo.

Trong năm 2023, nhân kỷ niệm Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10), UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh lần thứ I.

Tại sự kiện, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ… nhằm góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số.

Mai Vân Anh, Nguyễn Văn Hùng, Trần Quang Ninh