“Quốc nạn” giao thông của Việt Nam cần một biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả, chứ không phải là những biện pháp tức thì đánh vào sự tự ái của người tham gia giao thông.  

>> Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người… ít học?

“Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”, đó là nội dung trên những băng rôn treo tại Bình Định gây tranh cãi. Chúng ta chưa thể bàn về hiệu quả của nó, vì trước những luồng ý kiến trái chiều mà đa phần là chỉ trích, thì khẩu hiệu này đã bị gỡ bỏ và thay thế.

“Vượt đèn đỏ” và “ít học”

Không rõ giữa hành vi “Vượt đèn đỏ” và trình độ học vấn “ít học”, người Việt sẽ cảm thấy cái nào xấu hổ hơn? Theo tôi, chúng ta thường cảm thấy xấu hổ khi hành vi của mình thuộc về thiểu số.

Trong một xã hội coi trọng bằng cấp, danh vị, chắc chắn anh sẽ thấy nặng nề khi mình được xếp vào nhóm “ít học”. Tương tự, trong một xã hội mà mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, một cá nhân sẽ cảm thấy xấu hổ khi có hành vi vi phạm luật giao thông.

Dường như người Việt rất nhạy cảm khi bị đề cập về trình độ học vấn.  Chính sự nhạy cảm này đã khiến nhiều người nổi máu tự ái khi đọc khẩu hiệu trên và thấy nó “phản cảm”.

Trở lại lập luận của khẩu hiệu. Đèn xanh, đèn vàng, đèn đỏ là những tín hiệu giao thông cơ bản và đơn giản. Với bản chất phi ngôn ngữ, tín hiệu luôn được thiết kế một cách đơn giản để người xem có thể hiểu rõ và nắm bắt với mọi trình độ.

Như vậy, nếu nói “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” thì thật là ẩu. Vì những người không đi học, họ vẫn có khả năng nhận thức rằng, đèn đỏ phải dừng, đèn xanh được đi và đèn vàng là chạy chậm. Hay nói một cách khác, chỉ khi nào bị mù màu mới không nhận thức được ý nghĩa của đèn tín hiệu giao thông. Như vậy vượt đèn đỏ nói riêng, hay không chấp hành luật lệ giao thông nói chung không liên quan đến trình độ học vấn.

{keywords}
Khẩu hiệu gây tranh cãi tại Bình Định. Ảnh: NLĐ

Tại Việt Nam, trong quý một năm 2013, có hơn 691.500 xe máy được đăng ký mới, nâng tổng số loại phương tiện này của cả nước lên hơn 37 triệu (theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải). Chỉ tính riêng xe máy, thì với số lượng phương tiện giao thông không lồ như trên, việc tham gia lưu thông một cách tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật sẽ dẫn đến thảm họa.

Và thảm họa này có thể “đo’ được trên con số, như thống kê cho thấy 10 tháng đầu năm vừa rồi, cả nước có 20.801 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.475 người, bị thương 19.937 người (theo Uỷ Ban ATGTQG). Đa phần những người tham gia giao thông đều có bằng lái xe – có nghĩa là đã trải qua một lớp đào tạo và sát hạch.

Vậy đâu là nguyên nhân chính? Câu trả lời chắc chắn không phải là do người ít học tham gia giao thông, vì nếu ít học thì làm sao có khả năng vượt qua được lớp đào tạo và sát hạch lái xe.

Đừng để tình trạng “nhìn nhau” vi phạm

Theo người viết, một nguyên nhân chính là do ý thức của người dân khi tham gia giao thông  rất kém. Trong báo cáo gửi QH về tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả TNGT trong cả nước và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, Chính phủ đã thẳng thắn gọi tình hình TNGT là “quốc nạn”. Báo cáo chỉ ra 9 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên, trong đó ý thức kém là nguyên nhân hàng đầu.

Nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia giao thông là một vấn đề lâu dài và chắc chắn không thể được giải quyết chỉ bằng những khẩu hiệu như “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”.

Khẩu hiệu đó có thể là một cú tát mạnh vào lòng tự trọng khiến người tham gia giao thông không vượt đèn đỏ. Nhưng ai đảm bảo rằng, họ sẽ không lấn tuyến, phóng nhanh vượt ẩu? Không lẽ chúng ta phải làm thêm những khẩu hiệu khác như “Phóng nhanh vượt ẩu chỉ dành cho người ít học”, “Lấn tuyến chỉ dành cho người ít học” hay “Chạy quá tốc độ chỉ dành cho người ít học”, v.v…

“Quốc nạn” giao thông của Việt Nam cần một biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả, chứ không phải là những biện pháp tức thì đánh vào sự tự ái của người tham gia giao thông.  

Xét đến cùng, một mục đích lớn của giáo dục chính là giúp con người giải quyết và xử lý những tình huống gặp phải. Giáo dục chính là biện pháp cải thiện căn bản, triệt để ý thức chấp hành giao thông của người Việt. Ví dụ, sao chúng ta không đưa An toàn giao thông thành môn học bắt buộc trong nhà trường? Hoặc tìm ra một phương thức giáo dục có hệ thống, thực tế và hiệu quả?

Ý thức giao thông là vấn đề cá nhân, do đó trước hết mỗi cá nhân phải tự điều chỉnh. Tuy nhiên nhìn rộng ra, trong một xã hội luật pháp chưa nghiêm, thì người ta dễ “nhìn nhau” mà vi phạm. Bởi khi anh vi phạm, người khác vi phạm mà không bị xử lý thích đáng hoặc tìm được cách “lách luật”, ắt tôi sẽ không còn thấy mình là “thiểu số”, thấy hành vi phạm luật của mình là đáng xấu hổ nữa. Cũng như vậy, khi đó, không ai thấy được lợi ích, sự cần thiết phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Hi vọng lần này, sau một khẩu hiệu “gây sốc” sẽ không chỉ là những tranh cãi không hồi kết, mà sẽ là cơ hội để chúng ta nhìn lại, hành động mạnh mẽ hơn. Để sao cho, vượt đèn đỏ hay bất cứ vi phạm giao thông nào cũng sẽ “không dành cho bất cứ ai”.

Hữu Tri