Thay vào đó họ âm thầm quay phim lại (hoặc trích xuất hình ảnh từ camera hình trình) để… "bóc phốt" hoặc nói chuyện “phải quấy” nếu phải nhờ tới công an phân xử. Việc nói chuyện một cách văn minh, tránh những tranh cãi không đáng có, thậm chí gặp thêm những phiền phức khi dừng lại phân xử trên đường (ví dụ vụ tranh cãi trên cao tốc 5B rồi gây tai nạn đáng tiếc mới đây-NV) đang được các tài xế ưu tiên.

Cái sảy nảy cái ung

Vụ tai nạn liên hoàn trên tuyến cao tốc 5B (Hà Nội - Hải Phòng) làm 2 người chết tại chỗ, 10 bị thương sáng 11/7, chắc chắn sẽ là bài học sâu sắc cho nhiều tài xế trong thời gian tới đây. Vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 ô tô, gồm: xe khách 16 chỗ, ô tô con và ô tô bán tải. Chưa cần đến kết luận điều tra của cơ quan chức năng, việc hai xe ô tô ban đầu va chạm rồi dừng xe ngay giữa làn 120km/h (không đưa xe vào làn khẩn cấp với mục đích giữ nguyên hiện trường để công an tiện xử lý vi phạm), các tài xế không bật đèn cảnh báo cho xe và đặt vật cản báo hiệu mà lại quay ra cãi nhau để rồi chiếc xe thứ 3 lao tới đâm vào.

Những tranh luận sau vụ tai nạn về luật giao thông, về kinh nghiệm lái xe, về cách hành xử trước các tình huống va chạm giao thông trên đường (nhất là trên đường cao tốc) chắc chắn sẽ không đi đến hồi kết. Nhưng điều dễ thấy nhất là những lái xe khi đứng giữa đường cao tốc cự cãi nhau để rồi tử vong một cách đáng tiếc như tình huống nói trên đúng với câu nói “cái sảy nảy cái ung”. Chẳng thế mà nhiều lái xe hiện nay khi ra đường đều nhắn nhủ nhau phải biết nhịn trước bọn khùng điên, phải kìm nén cảm xúc trước các hành vi “vô pháp vô thiên” của rất nhiều lái xe vô ý thức.

Q3.1 Tinh huong giao thong.jpg
Tình huống 2 xe tải chèn ép một xe khách gây tai nạn được camera ghi lại giúp các cơ quan chức năng có cái nhìn toàn cảnh về vụ va chạm.

Nếu xảy ra va chạm, hãy để bảo hiểm (đền bù), cơ quan chức năng (công an phân xử) hay đơn giản hơn là những chiếc camera hành trình ghi lại tình huống và đưa ra kết luận. Bộc phát cảm xúc, có những hành vi côn đồ hay để những tình huống phát sinh không đáng có sau tai nạn là những việc làm không nên. Giờ đây, khi các va chạm giao thông đều được đưa lên mạng xã hội thì việc những lái xe bị “bóc phốt” để rồi nhận biên bản xử phạt hoặc thậm chí là tước bằng lái xe đã trở lên phổ biến. Hãy cư xử văn minh, hãy là người lái xe có trách nhiệm dường như không còn chỉ là… khẩu hiệu khi lái xe bị camera khắp nơi giám sát.

Sở cứ để phạt nguội và nâng cao ý thức

Hiện nay trên rất nhiều hội/nhóm lái xe như: An toàn giao thông, Giao thông văn minh Studio, Văn hóa giao thông, OTO+, Otofun, Camera giao thông, Bạn hữu đường xa, Giao thông 360… thường có rất nhiều các clip về những tình huống giao thông, các vụ va chạm, các vụ tai nạn; thông báo sự cố kẹt xe, đường ngập lụt, sạt lở đất hay tràn dầu… được chia sẻ. Những clip này đa phần được những lái xe đường dài trích xuất từ camera hành trình, camera giám sát và cả điện thoại cá nhân quay lại.

Theo Trung tá Đỗ Duy Nam, Công an huyện Gia Lâm: Khi tiếp nhận những phản ánh của các lái xe về những tình huống giao thông (qua số điện thoại đường dây nóng, nhóm Zalo, Fanpage…) với những clip được ghi lại, chúng tôi sẽ tiến hành xác minh, mời tài xế lên làm việc và sẽ có phương án xử lý cụ thể. “Thượng tôn pháp luật, cư xử đúng mực và văn minh khi không may có sự cố, lái xe an toàn và có trách nhiệm là mục tiêu tối thượng. Chúng tôi cũng không thích thú gì khi xử phạt các lái xe, nhưng xử phạt để răn đe, cảnh tỉnh người khác, nâng cao ý thức người tham gia giao thông là cần thiết”, Trung tá Đỗ Duy Nam nói.

Đứng ở góc độ lái xe, anh Nguyễn Trung Sỹ (40 tuổi, người đã có 18 năm làm nghề lái xe đường dài) cho biết: Ra đường cần hết sức nhẫn nhịn, cái gì tránh được thì tránh bởi đằng sau mình là xe hàng có giá trị cả trăm triệu đồng; là vợ con và gia đình đang ngóng trông. Hành xử là người có văn hóa, tôn trọng pháp luật, đi làm để được trở về nhà là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. “Không vì những phút bốc đồng mà làm hại bản thân, không vì chạy cố mà gây tai nạn, không vì chạy ẩu mà liên lụy cho người khác và cũng không vì những lí do tiểu tiết mà vi phạm luật lệ giao thông để rồi khi sự cố, tai nạn xảy ra thì ân hận cả đời, thậm chí vướng vòng lao lý, gia đình tán gia bại sản”, anh Sỹ nhắn nhủ.