Sau một thời gian vận hành, máy lạnh trong gia đình bạn bắt đầu có hiện tượng không lạnh, chảy nước, có hạt tuyết li ti đóng trên dàn lạnh thì nhiều khả năng máy lạnh của nhà bạn đã hết gas, cần phải nạp thêm.
Khi nào máy lạnh cần nạp thêm gas?
Khi máy lạnh có hiện tượng không lạnh hoặc hơi lạnh yếu hoặc khi dàn nóng không toả ra hơi nóng thì người dùng cần kiểm tra xem gas có còn không.
Một số dòng máy lạnh mới đã được tích hợp sẵn sensor để báo về tình trạng gas trong máy. Khi gas xuống mức thấp, thiết bị sẽ ngừng hoạt động.
Ngoài ra máy lạnh khi hết gas cũng có một số biểu hiện như: Máy lạnh có mùi hôi, máy lạnh báo lỗi mạch điện, máy lạnh đóng tuyết trên dàn lạnh, máy lạnh bị ngắt đột ngột hoặc chạy lâu vẫn không đạt nhiệt độ yêu cầu.
Khi thấy những biểu hiện này, người dùng cần kiểm tra để nạp thêm gas để đảm bảo máy lạnh được hoạt động ổn định. Việc nạp gas cho máy lanh cũng không quá phức tạp. Tuy nhiên nếu không chắc chắn, bạn có thể gọi thợ chuyên nghiệp để hỗ trợ.
Thông thường máy lạnh sẽ cần nạp gas khi đã vận hành khoảng 1 năm trở lên. Tình trạng dư gas khá hiếm gặp nhưng thi thoảng vẫn xuất hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do người nạp gas không nắm đúng kỹ thuật, bơm dư lượng gas cần thiết.
Các loại gas trên thị trường
Gas máy lạnh hiện có 3 loại là: R32, R410 và R22. Mỗi loại sẽ có những ưu, nhược điểm riêng, người dùng cần nắm rõ để đưa ra lựa chọn phù hợp.
R32 là loại gas mới nhất. Ưu điểm của R32 là thân thiện với môi trường, giảm lượng khí thải lên đến 75%. Loại gas này cũng cho hiệu suất làm lạnh lớn, giúp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên gas R32 sẽ khó bảo trì hơn các loại cũ.
Loại thứ 2 là R22 là loại gas được sử dụng đầu tiên trên máy lạnh. Ưu điểm là dễ bảo trì, giá rẻ, không độc. Tuy nhiên R22 lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng Ozon và dễ gây ngạt thở nếu nồng độ gas trong không khí quá cao.
Gas R410 là loại gas được khuyến cáo sử dụng, vì theo lộ trình R22 chỉ được sử dụng đến năm 2040. R410 sẽ là lựa chọn thay thế cho R22 vì cho hiệu suất làm lạnh cao, bảo bệ môi trường. Tuy nhiên hạn chế là khó lắp đặt, bảo trì, chi phí bơm gas mới cao và phải mất nhiều thiết bị chuyên dụng.
Quy trình nạp gas cho máy lạnh
Bạn chỉ tự nên nạp gas cho máy lạnh khi có đầy đủ phương tiện hỗ trợ. Đảm bảo kỹ thuật, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào. Nếu không, hãy liên hệ với những trung tâm bảo dưỡng máy lạnh uy tín để nhân viên có kinh nghiệm xử lý.
Việc đầu tiên trước khi nạp gas là đảm bảo máy lạnh vẫn đang hoạt động ở nhiệt độ khoảng 17 độ. Việc này đảm bảo cho khí gas được luân chuyển, đảm bảo áp suất đo được trong lúc nạp gas được chính xác.
Trước khi bắt đầu nạp phải xử lý hệ thống ống dẫn lạnh. Dùng ống hút chân không hút hết không khí trong hệ thống sau đó tiến hành nạp gas.
Với gas R410A, khi nạp yêu cầu phải có ống dẫn lạnh có độ dày theo tiêu chuẩn. Nguyên nhân là loại gas này có áp suất rất cao, nhiều thành phần hoá học.
Khi nạp gas phải úp bình gas xuống, nạp ở van 3 ngã sau dàn nóng. Gắn một đầu dây vào đồng hồ đo, và đầu dây còn lại gắn vào giàn nóng tại đai ốc nạp gas.
Tiếp đó gắn một đầu dây ngắn vào đồng hồ đo, một đầu còn lại gắn vào bình gas rồi thực hiện việc nạp gas. Sau khi đã kiểm tra áp suất bằng đồng hồ chuyên dụng thì khoá van bình gas. Tiếp đến khoá van ở đồng hồ, tránh rò rỉ gas ra môi trường.
Sau khi nạp gas xong, cần kiểm tra lại các thông số nhiệt đông mới thay đổi. Chờ cho máy chạy khoảng 30-60 phút để kiểm tra lại lần nữa. Áp suất lý tưởng sẽ nằm trong khoảng 150 psi, dòng điện tuỳ công suất máy.
Một số lưu ý khi nạp gas là nên tìm hiểu kỹ loại gas mình cần nạp là loại nào. Giá thành bao nhiêu và lượng gas cần bổ sung nhiều hay ít để tránh bị "chặt chém". Thực tế tình trạng ăn gian, báo giá khống khi nạp gas thi thoảng vẫn xảy ra.
Theo Zing