Việc thanh lý xe ô tô công được thực hiện theo hình thức bán đấu giá hoặc bán chỉ định. Trong đó, hình thức bán chỉ định được áp dụng trong trường hợp xe ô tô công đã hết giá trị còn lại theo sổ kế toán và giá trị còn lại theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/xe, hoặc trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.
Khi nào cơ quan Nhà nước được thanh lý xe công?
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng trị, cho rằng nhiều xe công thanh lý với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế còn lại, gây thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3.6.2009 của Chính phủ, việc thanh lý xe ô tô được quy định như sau: xe ô tô chỉ được thanh lý khi đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng theo chế độ quy định: thời gian sử dụng trên 15 năm hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km mà không thể tiếp tục sử dụng hoặc bị hư hỏng mà không đảm bảo an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan có chức năng.
Cử tri tỉnh Quảng trị cho rằng nhiều xe công thanh lý với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế còn lại, gây thất thoát NSNN (Ảnh minh họa) |
“Việc thanh lý xe ô tô được thực hiện theo hình thức bán đấu giá hoặc bán chỉ định. Trong đó, hình thức bán chỉ định được áp dụng trong trường hợp xe ô tô đã hết giá trị còn lại theo sổ kế toán và giá trị còn lại theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/1 xe hoặc trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.
Giá khởi điểm để bán đấu giá, giá bán tài sản trong trường hợp bán chỉ định phải được xác định phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ. Về cơ bản, các Bộ, cơ quan chấp hành nghiêm túc các quy định nêu trên. Tuy nhiên, có một số trường hợp áp dụng bán chỉ định xe ô tô thanh lý tạo dư luận xã hội không tốt” – Bộ Tài chính cho biết.
Nhiều địa phương từng thanh lý xe ô tô công với giá chỉ 35 triệu đồng (Ảnh minh họa) |
Theo Bộ Tài chính, để khắc phục những hạn chế trong việc thanh lý xe ô tô công, tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 vừa được Quốc hội thông qua ngày 21.6.2017 đã quy định các nguyên tắc, điều kiện thực hiện việc thanh lý tài sản công, trong đó có xe ô tô. Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính hiện đang xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (trong đó có nội dung quy định chi tiết về điều kiện, hình thức thanh lý, trình tự, thủ tục thanh lý, xác định giá trị tài sản thanh lý, tổ chức thanh lý tài sản công).
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất việc bán, thanh lý xe ô tô phải được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai, không áp dụng hình thức bán chỉ định, giá khởi điểm để bán đấu giá được xác định phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại; quy định này nhằm công khai, minh bạch việc bán, thanh lý xe ô tô, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Quảng Trị để tiếp tục hoàn thiện quy định tại dự thảo Nghị định nêu trên để trình Chính phủ ban hành (bảo đảm Nghị định có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 cùng hiệu lực thi hành của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).
Giảm 50% xe công vào năm 2020
xung quanh kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang về việc nghiên cứu hạn chế, mua sắm các loại ô tô công vụ đắt tiền, gây lãng phí ngân sách trong khi đời sống người dân còn khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết, Chính sách về quản lý, sử dụng xe ô tô công hiện nay thực hiện theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bộ Tài chính phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị (Ảnh minh họa) |
Tại Quyết định này đã quy định giá mua xe của từng loại xe (xe chức danh, xe phục vụ công tác chung, xe chuyên dùng); đồng thời, giảm định mức sử dụng xe theo hướng thống nhất định mức từ 1 - 2 xe/đơn vị.
Ngoài ra, nhằm tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý xe công, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2007/QH14 được Quốc hội Khóa XIV ký thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 21.6.2017 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2018), Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng Nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô theo hướng:
Điều chỉnh định mức sử dụng xe ô tô theo định hướng phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Quy định việc quản lý, sử dụng xe theo hướng tập trung, giao cho một đơn vị quản lý để bố trí sử dụng đúng tiêu chuẩn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý, sử dụng xe ô tô trên cơ sở không gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là xe ô tô chuyên dùng để tránh bị lợi dụng;
Quy định về chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô bắt buộc đối với một số chức danh và cách xác định mức khoán phù hợp với thực tế của từng Bộ, ngành, địa phương;
Quy định về xử lý xe dôi dư, sắp xếp đội ngũ lái xe khi cắt giảm xe công.
Với những đổi mới trong chính sách nêu trên sẽ có tác động nhiều đến việc quản lý, sử dụng xe ô tô công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị bảo đảm việc trang bị xe tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước.
(Theo Dân Việt)