Cùng với sự phổ biến của thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam, nhu cầu xây dựng một cơ chế chung để quản lý những sản phẩm này là cần thiết. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng nghiên cứu, đánh giá các tác động về mặt kinh tế xã hội trước khi xây dựng khung pháp lý cho dòng sản phẩm mới này. Mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất lựa chọn thuốc lá làm nóng - một trong những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để thí điểm nhập khẩu và lưu thông theo khung pháp lý hiện thời. Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc lá làm nóng để xem xét thí điểm trước vào thời điểm này liệu có phải là phương án toàn diện?
Thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, với sự khác biệt lớn nhất là không có quá trình đốt cháy như thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, cả hai sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đều phải sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng.
Tổ chức Hải quan thế giới WCO hiện coi thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới là hai phân nhóm hàng hóa có mã HS (HS Code) riêng biệt. Trong đó, WCO đã tạo ra phân nhóm mới (24.04) cho dung dịch thuốc lá điện tử và điếu thuốc lá làm nóng, biệt lập với phân nhóm 24.02 dành cho thuốc lá điếu hiện thời. Trong khi đó, thiết bị điện tử làm nóng được phân loại ở Chương 85.
Việt Nam cũng thống nhất và tuân thủ theo WCO. Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022 về Danh mục hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam, trong đó đã tạo ra phân nhóm mới 24.04 cho thuốc lá thế hệ mới.
Do đó, có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh thuốc lá làm nóng theo khung pháp lý hiện hành cho sản phẩm thuốc lá điếu là chưa phù hợp và toàn diện do sự khác biệt rất lớn về mặt sản phẩm, cơ chế sử dụng. Thay vào đó, Việt Nam cần tiến hành xây dựng các quy định tương thích riêng cho dòng sản phẩm mới này.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có hai văn bản chỉ đạo Bộ Công thương tiếp thu ý kiến của các bộ, hiệp hội liên quan, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới.
Với những khác biệt rõ ràng của thuốc lá thế hệ mới so với thuốc lá truyền thống, việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, riêng biệt theo chỉ đạo của văn phòng chính phủ là cần thiết.
Những quy định, yêu cầu kỹ thuật riêng cho thiết bị điện tử làm nóng và những yêu cầu phòng chống cháy, nổ khác cũng cần được xây dựng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Song song với việc xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần thiết để quản lý thuốc lá thế hệ mới, Việt Nam cần xây dựng các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn, có máy móc thiết bị kỹ thuật tương ứng để có thể kiểm nghiệm được các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn,... của sản phẩm. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thuốc lá, đơn vị duy nhất đủ năng lực kiểm nghiệm thuốc lá điếu hiện mới chỉ bắt đầu tìm hiểu được một số chất nhất định trong thuốc lá thế hệ mới và chưa nghiên cứu về yếu tố công nghệ.
Về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chia sẻ: “Chúng ta có thể tận dụng kết quả nghiên cứu của các nước khác, nhưng không có nghĩa chúng ta mang nguyên kết quả này áp dụng với Việt Nam. Vì họ đánh giá dựa trên mẫu người dùng và những sản phẩm được lưu hành trong nước sở tại, trong khi trong tay chúng ta hiện chưa có gì”.
Do đó, việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là tối quan trọng để có thể quản lý chất lượng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, nhằm bảo vệ sức khỏe người dùng cũng như các đối tượng xung quanh. Các thiết bị của chúng cần phải đảm bảo sự thống nhất trong các văn bản liên quan của Việt Nam trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia đã có khung pháp lý hoàn chỉnh và kiểm soát tốt thuốc lá thế hệ mới.
Những quy định, yêu cầu kỹ thuật riêng cho thiết bị điện tử làm nóng và những yêu cầu phòng chống cháy, nổ khác cũng cần được xây dựng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Qua những phân tích trên đây, có thể thấy, dường như, Việt Nam hiện chưa sẵn sàng để thí điểm thuốc lá thế hệ mới. Việt Nam cần thêm thời gian để có đánh giá tác động xoay quanh sản phẩm và đề xuất khung pháp lý toàn diện với thuốc lá thế hệ mới trước khi đưa vào thí điểm để đưa ra chính sách và khung pháp lý phù hợp với dòng sản phẩm này.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là vấn đề quan trọng, cấp bách, cần lấy ý kiến đóng góp của các vụ, cục, tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá.
“Vấn đề này cần phải được nghiên cứu một cách thận trọng, tổng thể, khách quan, khoa học, từ đó mới có thể đưa ra được đề xuất, kiến nghị chính sách phù hợp đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”, Thứ trưởng Thuấn khẳng định.
Thủy Tiên