Nhà vua Thái, và sau đó là cán bộ dự án, đi xuống tận từng thôn bản. Họ ngồi xuống, lắng nghe kinh nghiệm, sáng kiến, mong muốn và kế hoạch của người dân.

Tháng 8/2015, tôi đến Chiangmai Thái Lan để tìm hiểu về Dự án Hoàng Gia, một sáng kiến ​​phát triển của Nhà vua Thái[1]. Từ đó, tôi đã quan sát được việc người dân các bộ tộc vùng cao ở Thái đã được giáo dục để nói không với thực phẩm bẩn như thế nào.

Hãy nhìn vào một ví dụ về Kế hoạch phát triển thôn bản, với mục tiêu tổng thể rất dễ hiểu và đi thẳng vào trọng tâm: Giảm tác động của việc sử dụng hóa chất, thông qua đo dư lượng hóa chất trong máu, trong đất và trong sản phẩm.

Người bán phải chạy theo người trồng

Hóa chất được sử dụng để trồng cây và bảo quản sản phẩm sẽ đi vào chuỗi thức ăn của con người và cuối cùng sẽ tồn dư lại ở cơ thể con người. Để đo lường mức độ tồn dư hóa chất, hàng năm, người nông dân được xét nghiệm máu.

Bảng tổng hợp kết quả xét nghiệm máu của thôn bản được trình bày theo bảng, chia theo từng năm và tỷ lệ % cho 4 cấp độ: bình thường, trong giới hạn an toàn, rủi ro và nguy hiểm. Mỗi hộ gia đình có một bộ hồ sơ sức khỏe cho cả gia đình với kết quả xét nghiệm máu qua từng năm.

Thí nghiệm phân tích các thành phần của đất, bao gồm dư lượng hóa chất trong đất được thực hiện trước khi tiến hành trồng một giống cây mới, áp dụng một phương pháp thâm canh mới, hoặc sau một mùa vụ thử nghiệm. Người dân, sau khi được dự án hướng dẫn, sẽ tự đo lường, phân tích và so sánh sự thay đổi các thành phần trong đất, bao gồm dư lượng hóa chất. Họ sẽ tự nhận thấy lợi ích của việc trồng cỏ vetiver, canh tác xen canh (trồng ngô và đậu), bón phân hữu cơ, trồng cây trong nhà kính, và áp dụng tiêu chuẩn GAP.

Dư lượng hóa chất trong đất cùng với kết quả xét nghiệm máu là bức tranh rõ nhất cho người dân biết về trình trạng sức khỏe của mình và chính họ phải hành động để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như của cộng đồng. 

{keywords}

Một hàng dứa, một hàng cỏ Vetiver để chống xói mòn đất. Đậu xanh trồng xen với ngô. Thu hoạch xong, thân ngô sẽ được bẻ ẹp xuống đất để dành không gian cho đậu xanh lên. Trong hình là tác giả Nguyễn Thị Thu Đông

Dự án Hoàng gia là một thương hiệu mạnh ở Thái Lan. Sản phẩm làm ra, trước hết là để phục vụ cái ăn cho người nuôi trồng, đến phục vụ người dân Thái, rồi mới tính đến chuyện xuất khẩu. Hiện tại, dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, dự án cũng không tăng đầu tư quá mức, nhằm tránh rủi ro cho nông dân nếu không đủ khả năng điều chỉnh sản xuất.

Người dân được tổ chức vào các tổ nhóm sản xuất. Họ có sức mạnh tập thể và nhiều thông tin về thị trường để mặc cả với người mua. Trước đây, người dân phải chạy theo người cung cấp để mua phân bón, hạt giống, giờ người bán phải chạy theo họ để bán được sản phẩm và phải nghe theo các yêu cầu về chất lượng sản phẩm do tổ nhóm người dân đưa ra.

Trước khi thu hoạch sản phẩm 1 tuần, người dân sẽ gom sản phẩm mẫu và tổ nhóm sản xuất sẽ cử người mang sản phẩm đến cửa hàng Dự án Hoàng Gia để lấy giấy kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trước khi được nhập vào chuỗi cửa hàng, sản phẩm phải được kiểm tra một lần nữa. Các bước kiểm tra đều tuân thủ theo tiêu chuẩn GAP. Sản phẩm có thương hiệu, được bán với giá cao hơn nên mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Nhà vua, cán bộ xuống từng thôn bản

Nhà vua Thái, và sau đó là cán bộ dự án, đi xuống tận từng thôn bản, với máy chụp ảnh và bản đồ. Họ ngồi xuống, lắng nghe kinh nghiệm, sáng kiến, mong muốn và kế hoạch của người dân. Họ giúp dân xây dựng sa bàn thôn bản, vị trí ruộng vườn của từng nhà, nơi trồng cây, nơi chăn nuôi, nơi có hệ thống nước, nơi đất rừng cần được bảo vệ.

Hệ thống định vị GPS sẽ giúp cán bộ dự án thiết kế và giám sát tiến độ của mùa vụ cũng như phát hiện và có hành động kịp thời nếu có dấu hiệu chặt phá rừng. Các trạm dự báo thời tiết chạy bằng năng lượng mặt trời ở mỗi thôn bản sẽ gửi thông tin về cho dự án để có các giải pháp canh tác phù hợp. Các trung tâm đào tạo cộng đồng, các mô hình trình diễn, các bài học thành công được trình bày đơn giản giúp người dân dễ hiểu và dễ tiếp cận.

Phát triển vùng cao ở Thái Lan lấy người dân các bộ tộc vùng cao làm trung tâm đã giúp người dân xây dựng lòng tin, rằng họ có thể tạo ra sự thay đổi. Người vùng cao không còn là người chỉ biết nhận viện trợ, mà họ là chủ thể của sự phát triển, họ có thể làm những việc mà trước đây họ chưa từng nghĩ đến như tham gia vào xét nghiệm mẫu máu và phân tích đất để biết lượng hóa chất tồn dư, lập ngân hàng giống, xây dựng quỹ tín dụng nhỏ, là người canh giữ rừng và bảo vệ bản sắc văn hóa của họ.

Nguyễn Thị Thu Đông

>> XEM THÊM:


------

[1] Dự án nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chấm dứt nạn đốt rừng làm nương rẫy, và đặc biệt là triệt tiêu việc trồng cây thuốc phiện ở khu vực Tam giác vàng.