Trong nỗ lực tiếp nối cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam, đầu năm nay Chính phủ ban hành Nghị định 02 yêu cầu các bộ, ngành ba vấn đề chính. Thứ nhất là tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III năm 2019; thứ hai, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt; và thứ ba, công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018.
Đây là quyết tâm rất lớn nhằm phấn đấu đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4 và đòi hỏi các bộ, ngành phải thực hiện một khối lượng công việc đáng kể.
Theo báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2019” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 26/12, năm 2019 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Tính đến hết tháng 11 năm 2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 đến 800 thông tư của các năm trước đó, đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018, và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm của năm 2017.
Nền kinh tế thị trường cần một hệ thống pháp luật thực sự minh bạch, cần sự tiên đoán được để thực thi. |
Tuy nhiên, những ghi nhận từ VCCI cho thấy, nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh là rất kém cỏi. Tính đến giữa tháng 11/2019, VCCI chỉ nhận được hai đề nghị góp ý của hai Bộ đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghi định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý, đó là Bộ Công Thương và Bộ Y tế.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có hai bộ là Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch thực hiện việc bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 02 trong năm 2019.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói: “Có thể thấy, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm nay khá lặng lẽ. Sau một năm với những chuyển động tích cực có tính cải cách, đột phá thì dường như năm nay, sự nhiệt tình của một số Bộ đã giảm đi đáng kể hoặc có thể các Bộ nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh do Bộ mình quản lý hơn nữa”.
Ông Lộc nói, nếu trong năm 2018, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được ví như những “đợt sóng lớn”, mạnh mẽ thì đến năm 2019, hoạt động này chỉ là những “gợn sóng nhỏ”.
VCCI cho rằng, sau hoạt động rà soát tích cực và cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ năm ngoái, một số cơ quan quản lý cho rằng: i) các điều kiện kinh doanh hiện tại đã khá hoàn chỉnh, khó có thể bãi bỏ hoặc đơn giản hóa hơn; ii) cần có thời gian đánh giá hiệu quả của đợt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trước khi thực hiện đợt rà soát tiếp; iii) bị giới hạn không gian cải cách bởi các quy định tại luật.
Tuy nhiên, vẫn đặt câu hỏi, bên cạnh những điểm tích cực của hoạt động rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm 2018 thì còn nhiều vấn đề băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này. “Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng vẫn có rất nhiều không gian cho hoạt động cải cách cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh”, báo cáo của VCCI nhận xét.
Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) của Ngân hàng Thế giới, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm), nhưng giảm 1 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70).
Điều này cho thấy, những cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang chững lại trong khi các nước trong khu vực lại tăng tốc.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn còn cập lớn, đó là sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Theo quy định của pháp luật, từ bắt đầu cho đến khi đưa hoạt động đầu tư, kinh doanh vào thực tế, nhà đầu tư phải trải qua rất nhiều giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn là các điều kiện và thủ tục hành chính kèm theo.
Các điều kiện, thủ tục này được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau (ví dụ: dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy và chữa cháy…).
Trong khi đó, thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật lại không thống nhất, chồng chéo với nhau, nhiều khi khiến nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hay có phải thực hiện thủ tục đó không?
Sự thiếu nhất quán của các văn bản pháp luật khiến cho quy trình triển khai dự án bị kéo dài, thậm chí là đình trệ, không thể triển khai, gia tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với doanh nghiệp, khiến môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi.
Một doanh nghiệp bất động sản cho biết, có những dự án lẽ ra chỉ cần 1 tháng để phê duyệt, nhưng thực tế là cần 3 - 5 năm. Tính thêm thời gian triển khai khoảng 3 năm thì thời gian cho một dự án đến 6-8 năm, một khoảng thời gian “dài khủng khiếp”.
Theo VCCI, các cơ quan nhà nước cũng lúng túng khi gặp các quy định chồng chéo này. Nếu thực hiện linh hoạt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì sẽ có nguy cơ trái luật, nhưng nếu thực hiện theo đúng quy định thì quy trình trở nên rất rắc rối, kéo dài và thậm chí không thể thực hiện được. Nhiều cơ quan thực thi cấp địa phương đang phải đối mặt với sức ép của việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuy nhiên lại “bất lực” vì sự thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, giữa các văn bản pháp luật về kinh doanh còn có sự thiếu thống nhất khi quy định về các khái niệm; sự chồng lấn khi ban hành các Danh mục ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện… Sự chồng chéo này tạo ra rủi ro lớn cho các doanh nghiệp, nhất là liên quan đến các chính sách về hạn chế quyền kinh doanh, chẳng hạn: đối với văn bản pháp luật này thì hàng hóa, dịch vụ này doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh nhưng ở văn bản pháp luật khác lại trở thành hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương, cho rằng, cần hạn chế quyền của các bộ, ngành trong việc ban hành thông tư. Không thể trong một năm mà các bộ có quyền ban hành mấy trăm thông tư rồi lại sửa đổi bất cứ lúc nào. Nền kinh tế thị trường cần một hệ thống pháp luật thực sự minh bạch, cần sự tiên đoán được để thực thi. “Tôi cho rằng, cần có công cụ để ngăn cản việc ban hành thông tư của các bộ”.
Ông Cung chia sẻ, những mâu thuẫn, chồng chéo nội dung trong các luật đất đai, môi trường, đầu tư…đã phát hiện ra từ năm 2003, sau đó Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp đã đi kiểm tra. Ông kể, thời đó các địa phương rất hăng hái thực hiện cải cách vì họ cần một môi trường đầu tư để phát triển. Nhưng càng về sau này, sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các nội dung luật lại càng tăng lên trong khi đó, tinh thần cải cách lại giảm đi, tính sáng tạo trong cải cách ở các địa phương cũng giảm đi.
Ông nói: “Để từng bộ soạn thảo, sửa đổi các luật, nghị định như hiện nay thì không thể cắt giảm được điều kiện kinh doanh bởi mỗi bộ sẽ có cách “riêng” của họ xét ở góc độ quản lí nhà nước. Tôi cho là cần lập một tổ cắt giảm điều kiện kinh doanh bao gồm các chuyên gia, doanh nghiệp, không có cơ quan nhà nước và tổ này hoạt động dưới sự chỉ đạo của ít nhất một Phó Thủ tướng”.
Lan Anh