Gần chục năm trước, tôi dự định làm một nghiên cứu về người di cư không hộ tịch ở thủ đô. Tôi nghi ngờ rằng có một thái độ kỳ thị với người nhập cư tại Hà Nội khi đó, nhưng không nghĩ ra cách nào để lấy được thái độ này (dưới dạng bằng chứng).
Tôi nghĩ ra một cách. Tôi nhắn tin cho một người bạn rất đông người theo dõi trên mạng xã hội. Anh này nổi tiếng vì nói tục và ngoa ngoắt. Tôi nhờ, ông hộ tôi một việc: ông có thể “phang” thậm tệ người dân đang sống ở bãi giữa sông Hồng được không, xem thái độ người ta comment thế nào?.
Anh bạn tôi đồng ý tham gia cuộc thí nghiệm. Anh biên ngay một post dài thóa mạ những người nhập cư, dùng những từ ngữ nặng nề như “làm bẩn Hà Nội”, “rác rưởi”; anh đặt điều cho họ là ổ dịch bệnh, là ổ tội phạm, nơi chứa đựng những nguy cơ cho dân thành phố. Đại khái là mô tả vô cùng cường điệu.
Cuộc thí nghiệm đó không biết có đáng gọi là “thành công” hay không. Như dự cảm của tôi từ trước, rất nhiều người vào đồng tình, tán thưởng và cùng chửi dân nhập cư. Họ không biết rằng mình đang tham gia một trò trào lộng: nhiều bình luận thực sự bày tỏ ác cảm với những người nhập cư. Nhưng chính những lời đó, khiến tôi không muốn viết tiếp cuốn sách đó nữa, hay ít nhất, là theo hướng đó nữa.
Sau này, mỗi khi nghĩ về việc dùng mạng xã hội, tôi hay nhớ về cái thí nghiệm ngu ngốc đó. Nó có đầy đủ những thứ xấu của việc dùng mạng: có sự dối trá, tin giả, có thái độ thù ghét, và những lời kêu gọi độc hại. Và việc một cái thí nghiệm như thế được hưởng ứng dễ dàng nói lên bản chất của mạng xã hội một thời: sự hoang dã.
Có một thời việc dùng mạng xã hội ở Việt Nam hoàn toàn hoang dã. Không có chính sách gì, từ cấp độ quản lý nhà nước cho đến cá nhân. Chính tôi cũng đã tiếp cận vấn đề một cách hoang dã.
“Chính sách” thực ra là một từ có nghĩa rất rộng, không chỉ đề cập đến văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Chính sách có thể là hệ thống hành động của một người, một nhóm người, một tổ chức hay một quốc gia.
Hãy tưởng tượng cô bạn điệu đà hay quẹt thẻ tín dụng quá tay của bạn có thể một ngày sẽ giơ nắm đấm lên và nói: “Từ hôm nay mình sẽ thực thi chính sách tiết kiệm”. Đó là “chính sách” cơ bản, theo nghĩa đen, không phải phép thậm xưng. Một cá nhân cũng có thể có chính sách của riêng mình.
Và tất nhiên, các tổ chức cũng có thể có chính sách. Trong bảng tổng kết cuối năm của một doanh nghiệp, bạn có thể nhìn thấy các chi nhánh “đã áp dụng chính sách bán lẻ theo lô” và đạt được
những thành công ngoài mong đợi. Hướng kinh doanh được cụ thể hóa thành các phương án hành động, tất nhiên là chính sách.
Hãy nhìn Lê Bống, Dino Vũ, các thành viên của S Channel hay Gia đình Thủng Long. Họ có thể là một cá nhân tự tạo ra cộng đồng và thu các lợi ích kinh tế/xã hội từ TikTok. Nhưng họ cũng có thể, và thường xuyên hoạt động như một doanh nghiệp. Một “hot gymer” thực chất đang vận hành doanh nghiệp truyền thông riêng của mình, dù có thể nó chỉ có 1 người.
Chính sách hoạt động của các cá nhân và tổ chức trên mạng xã hội có một thời là… không có chính sách gì cả. Có lợi thì làm, nhiều lúc không có lợi gì cũng làm. Nhà báo cũng tiện tay viết kiểu nhỡ mồm. Ngay cả ở những tổ chức nghiêm cẩn nhất về phát ngôn, là các cơ quan báo chí xuất bản, có nhiều nơi vẫn chưa ban hành xong chính sách về phát ngôn trên mạng xã hội.
Cho đến gần đây, thỉnh thoảng vẫn có các nhà báo “cầm đèn chạy trước ô tô”, tung tin giả ngay trên trang facebook cá nhân của mình.
Khi một ‘Hot Girl’ đưa ra một thông điệp
Cuối năm 2023, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp cùng TikTok và Báo điện tử VnExpress tổ chức một cuộc thi mang thông điệp anti fake news. Trong cuộc thi đó, người tham dự sẽ đăng các “bài thi” - chính là các video TikTok của họ - lên kênh cá nhân để truyền bá thông điệp chống tin giả.
Tin giả, cũng như thuốc giả, đồ ăn giả, chẳng có ai thích. Nhưng không phải ai cũng chống: vì chống lại nó rất mất thời gian, cần có cả một bộ phương án hành động nghiêm cẩn. Bạn phải cưỡng lại việc share những thứ giật gân, bạn phải cưỡng lại việc xem ngốn ngấu mấy cái video “bánh cuốn” đầy drama, bạn phải học cách kiểm tra chéo các nguồn tin trước bất kỳ sự kiện nào mình bắt gặp. Rất nhiêu khê. Nói ngắn gọn, bạn phải có cả một chính sách dùng mạng xã hội.
Chính vì thế, nên lời kêu gọi chống tin giả chưa bao giờ là thừa. Đại dịch Covid - 19 vừa qua đi và những bài học về tin giả vẫn còn văng vẳng, khi cả cộng đồng có thể hỗn loạn vì vài dòng “tin độc quyền” của người bán hàng nào đó đang muốn kiếm thêm chút tương tác. Ngay cả khi xã hội tưởng như bình yên, tin giả vẫn gây hại.
Tôi tham gia vào cuộc phát động của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử với vai trò cố vấn chuyên môn. Ở đó, tôi gặp Lê Bống - một người từng theo đuổi nghề fitness coach (huấn luyện viên hình thể). Chúng tôi trao đổi, và nhận ra rằng tin giả tồn tại trong những thảo luận thông thường nhất của cuộc sống. Đơn cử, bây giờ mở mạng ra là bạn sẽ bắt gặp đủ thứ lời khuyên, cái này nên ăn, cái kia không nên ăn, nghiên cứu đã chỉ ra rằng thịt có thể gây ra điều này, bơ sữa có thể tạo ra điều nọ. Thị trường dinh dưỡng và tập luyện đầy tin giả, vì nó có thể sinh lời.
Bất giác tôi nhận ra rằng “chính sách” chống tin giả, hay rộng hơn, là chính sách cho một môi trường mạng văn minh, cần xây dựng từ dưới lên. Nó có thể bắt đầu từ các cá nhân. Tôi bấy lâu nay vẫn tin vào việc điều chỉnh bằng chính sách vĩ mô. Có gì sai là do Nhà nước quản chưa chặt. Tôi thậm chí còn hơi bất ngờ, khi ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử nhớ tên và xem hầu hết các “influencers” có mặt trong chương trình. Tôi và nhiều người xung quanh từng nghĩ, ai là ai thì quan trọng gì nhỉ. Nếu luật pháp mà đủ chặt chẽ thì cô đó có tên là Lê Bống hay Lê Chép cũng sẽ tuân thủ như nhau.
Nhưng ngoài chính sách từ trên xuống, thực tiễn cần chính sách hành động của từng con người và từng cá nhân. Ý nghĩa của cuộc thi, cuộc phát động mà TikTok và Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là như thế.
Thực tiễn quá đa dạng để bàn tay của quản lý Nhà nước điều chỉnh mọi thứ. Bạn hôm nay trong ngày lướt mạng, có thể sẽ bắt gặp một thứ thể hiện sự đa dạng đó: một phụ nữ trung niên xưng là “coach” nào đó đang thao thao bất tuyệt về tâm lý trẻ em; một anh môi giới bất động sản đang nói như thơ về các quy hoạch, về kinh tế vĩ mô của khu vực Đông Hà Nội; một diễn giả đứng trong phòng hội thảo khách sạn và đang rao giảng về cách người Nhật chơi Crypto - Tiền mã hóa (chẳng biết Nhật Tân hay Nhật Lệ). Đó đều có thể là tin giả.
Và đó, đều là những thứ có thể khiến chúng ta xem say sưa, rồi bấm nút chia sẻ, hoặc thậm chí sao chép lại thành nội dung của mình. Đó, đều là những thứ, cần chống lại bằng bộ chính sách của riêng mỗi người “chơi” mạng.
Khi một “hot girl” nhảy theo điệu nhạc, nhưng lại đưa ra một thông điệp chính sách, chúng ta có một bước tiến mới vào con đường của một xã hội số văn minh.
Chuyên gia truyền thông Đinh Đức Hoàng