W-rác thải 4.jpg

Hiện nay trên đường phố Hà Nội, nhiều nơi rác thải vẫn bị tập kết bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 

W-rác thải 7.jpg

Đi trên đường, người dân có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe chở rác dù đã đầy vẫn chưa được đẩy đi. Xung quanh đó nhiều túi nilon, phế thải bị vứt tràn lan. 

W-rác thải 6.jpg

Các bãi rác thải tự phát chất đống cũng có ở nhiều nơi. Điều này không chỉ làm ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị mà còn làm ảnh hưởng sức khỏe người dân quanh vùng. Hình ảnh tại khu vực cuối ngõ 76 An Dương.

W-rác thải 3.jpg

Nhìn vào những thùng chứa rác thải tại những điểm tập kết rác mới thấy hiện trạng của việc phân loại rác thải tại nguồn hiện nay chưa được thực hiện nghiêm túc và thực hiện cũng không hiệu quả. Rác thải hữu cơ (cuống rau, thực phẩm thừa, vỏ hoa quả...) trộn lẫn với rác thải vô cơ (túi nilon, hộp xốp, ống hút nhựa, thủy tinh vỡ, gốm sứ vỡ...) vẫn tràn ngập.

W-rác thải 8.jpg

Hà Nội đang thực hiện thí điểm giai đoạn 1 đến Quý I/2025 về việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở 5 quận nội thành (gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm). Trong đó, nhiều điểm thu gom rác thải cồng kềnh được bố trí tại các phường nhằm nâng cao hiệu quả và hướng đến việc phân loại rác đồng bộ trên toàn thành phố trong thời gian gần đây. Đối với các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư, những trường hợp bỏ rác không đúng quy định sẽ bị xử phạt ở mức từ 500.000 đến 2 triệu đồng.

W-rác thải.jpg

Một công nhân vệ sinh môi trường cho biết, người dân mang rác ra điểm thu gom đều không phân loại, tất cả để chung trong một túi. Do vậy, việc phân loại và làm sạch rác thải tái chế là thách thức đối với đơn vị chức năng. Bởi, quá trình xử lý phải thực hiện bóc tách từng phần một cách thủ công, sau đó mới có thể đưa đi xử lý.

W-rác thải 5.jpg

Theo ước tính, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ý thức của con người là yếu tố quyết định việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải. Thói quen của nhiều người dân là thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/thùng rác mà không cần biết trong số đó cũng có những loại có thể đưa vào tái chế và phục vụ cuộc sống.

W-rác thải 9.jpg

Nhằm phát huy hiệu quả trong công tác phân loại rác thải, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội URENCO đã tổ chức thí điểm, phương án phân loại rác tại nguồn bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. 

W-rác thải 10.jpg

Trong dịp này, mỗi người dân khi mang rác thải đã phân loại ra các điểm thu gom sẽ nhận được những phần quà như nước xả, bánh xà phòng, bột giặt, nước rửa chén Thái Lan, túi tái sử dụng bảo vệ môi trường…

W-rác thải 12.jpg

Bà Nguyễn Thị Minh Phương (67 tuổi, Hà Nội), một người quan tâm đặc biệt đến môi trường, chia sẻ : “Với hành trình 12 năm nhặt rác làm sạch hồ Gươm, tôi luôn muốn làm gì tốt nhất để bảo vệ môi trường. Về sinh hoạt hàng ngày, tôi hạn chế sử dụng các loại rác thải khó phân hủy nhất có thể. Các vỏ chai, lon bia tôi đều đi nhặt. Thứ 7 hàng tuần tôi đem đến các điểm thu gom rác đổi lấy quà”.