Đây là dịp để chuyên gia và khách mời cùng đưa ra thực trạng, khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đi vào thực tiễn. 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường  cho biết, áp lực môi trường không phải chỉ là sự gia tăng về số lượng và thành phần chất thải mà cách thức chúng ta vứt bỏ và ứng xử với chất thải rắn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt cũng đang làm cho môi trường sống của chúng ta ngày càng ô nhiễm. 

Ông Trung cho biết, hiện có một số mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương đã đem lại kết quả khả tích cực, bắt đầu có được giá trị kinh tế từ chất thải rắn sinh hoạt, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng và người dân được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương hiện nay còn gặp nhiều thách thức. Hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ. Nhiều địa phương chưa tìm kiếm đầu ra cho từng loại chất thải, chưa tìm kiếm công nghệ tái chế và xử lý mỗi loại chất thải sau khi phân loại; Thiếu cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; Nhận thức và sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chậm, chưa quyết liệt; Nhận thức của cộng đồng, người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế và cần thời gian để tổ chức thực hiện.

19. phân loại rác tạp chí môi trường.jpg
Một số mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương đã bắt đầu có giá trị kinh tế từ chất thải rắn sinh hoạt.

Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 64.658 tấn/ngày. Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày. Theo thống kê, năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trên toàn quốc đạt 88,34%, tại đô thị đạt 96,60%, tại nông thôn đạt 77,69% (số liệu của 61 tỉnh/TP).

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thành Lam - Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: Cả nước có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở; Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn/phân hữu cơ 30 cơ sở; Cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt 1.178 cơ sở.

Theo ông Lam, quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện gặp nhiều khó khăn do chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương; Chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; Thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; Thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định; Các quy định về Định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu. 

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đến từ các tỉnh cũng chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và đề ra các cách làm để việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày một tốt. Theo đó là cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thay đổi thói quen phân loại rác từ đầu nguồn ở mỗi người dân; các ngành đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải để mỗi người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác cũng như tác động của nó đối với môi trường sống.

Huệ Anh