Tiếp theo cuộc trò chuyện nhân ngày doanh nhân, ông Vũ Quốc Tuấn nhận định rằng kinh tế VN tăng trưởng, đạt nhiều thành tựu nhưng với chi phí quá cao mà chất lượng thấp trong khi tham nhũng trong những công trình xây dựng bằng vốn nhà nước rất cao.

>>Xem lại Kì 1: Doanh nghiệp "dựa dẫm" kiếm chác: Gốc do đâu?

TuanVietNam giới thiệu kì 2 cuộc trò chuyện với ông Vũ Quốc Tuấn – nguyên thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10.

Tạo doanh nhân có tầm cỡ quốc tế

- Có chuyên gia đã phân tích có 3 dạng dựa dẫm khi tham gia thương trường. Một là các đại gia tầm cỡ dựa vào sự không minh bạch để tìm cơ hội làm giàu. Hai là các doanh nghiệp thường thường bậc trung tận dụng sự gian dối để tồn tại. Và loại thứ ba chiếm nhiều nhất trong số doanh nghiệp nhỏ và vừa, luồn lách theo “cơ chế đèn vàng” để trục lợi. Từ đó cho thấy, làm ăn như vậy khó là bền vững, khó mà lớn mạnh được. Ông có gợi ý như thế nào để giảm thiếu tính dựa dẫm này?

Trước hết, xây dựng môi trường kinh doanh đúng đắn, lành mạnh cho doanh nhân hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Tạo môi trường kinh doanh hợp quy luật để doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục lớn mạnh hòa nhập với quốc tế, trong đó có việc xóa bỏ tính dựa dẫm.

Tôi vẫn cho rằng, gốc gác để giải quyết những vấn đề này chính là thể chế. Bởi thể chế là đường lối, là quan điểm phát triển và là những chủ trương chính sách, là những quy định pháp luật để phát triển đất nước.

Vấn đề là thể chế như thế đặt trong hoàn cảnh nước ta hiện nay đang cần sự phát triển bền vững để hội nhập có hiệu quả, cần một nền kinh tế độc lập, tự do, không bị lệ thuộc vào bất kì một quốc gia nào. Hay nói cách khác, cần một thể chế tạo nên những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tạo nên những doanh nhân có tầm cỡ quốc tế.

{keywords}

Ông Vũ Quốc Tuấn: "Hiện nay đang cần sự phát triển bền vững để hội nhập có hiệu quả, cần một nền kinh tế độc lập, tự do, không bị lệ thuộc vào bất kì một quốc gia nào". Ảnh: Lan Anh

- Ông có thể mô tả thế nào về mô hình thể chế mà ông vừa đề cập?

Thứ nhất, thể chế cần tạo điều kiện người sản xuất kinh doanh có quyền sở hữu và phát triển sở hữu tư nhân.

Thứ hai, thể chế ấy đảm bảo tự do kinh doanh. Gần đây, luật doanh nghiệp có nói doanh nghiệp có thể kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Như vậy có nghĩa là vẫn còn những lĩnh vực mà pháp luật cấm thì làm thế nào để giảm thiểu.

Điều kiện kinh doanh cũng cần được chú trọng đến. Bây giờ không cấm được lại sinh ra hàng nghìn điều kiện kinh doanh có tên, không tên đủ cả…thế thì không thể tự do kinh doanh được.

Thứ ba, thể chế ấy cần đảm bảo cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tự do cạnh tranh. Cạnh tranh bình đẳng, không còn độc quyền doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước trên danh nghĩa kinh tế chủ đạo bởi vì doanh nghiệp nhà nước được tiếp cận vốn liếng mà không phải thế chấp, rồi được tiếp cận các dự án béo bở.

Cuối cùng, ta có Đảng lãnh đạo và cầm quyền, do đó Đảng là người quyết định đường hướng, quan điểm của thể chế. Vì vậy, cốt lõi là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng quyết định thể chế đúng đắn để đưa nước ta tiến lên nhanh hơn và bền vững hơn. Nhà nước cải tiến hành chính để đưa những thể chế ấy vào cuộc sống bằng pháp luật, nghị định, thông tư…

Suy cho cùng nói phải đi đôi với làm; nói thế nào làm thế ấy chứ đừng nói một đằng làm một nẻo!

Thành tựu đạt được với chi phí quá cao

- Mới đây, dự thảo báo cáo kinh tế xã hôi trong văn kiện Đạo hội Đảng XII đề cập đến khu vực kinh tế ngoài nhà nước cho biết, vai trò kinh tế ngoài nhà nước (không kể đầu tư nước ngoài) ngày càng được phát huy, đóng góp 39% tổng đầu tư toàn xã hội và khoảng 50% GDP. Điều đó cho thấy, bất luận là số nào, thì khu vực tư nhân đã trở nên ngày càng quan trọng không thể chối bỏ. Theo ông chúng ta cần phải tiếp tục điều chỉnh cách ứng xử với các doanh nhân ở khu vực này như thế nào để họ có thể góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng cho đất nước trong thời kì hội nhập?

Lâu nay tôi vẫn duy trì quan điểm kinh tế tư nhân của ta bao gồm kinh tế tư nhân tư bản và kinh tế cá thể. Trong đó, kinh tế tư nhân ngày càng tăng lên, còn với kinh tế nhà nước chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước thì phạm vi dần thu hẹp lại. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng khá quan trọng, nhất là trong xuất khẩu chiếm đến gần 70% tổng giá trị xuất khẩu.

Và như vậy kinh tế tư nhân phải là động lực của phát triển kinh tế. Động lực có thể hiểu nhiều nghĩa khác nhau, có thể nói dân chủ là động lực phát triển của đất nước hay thể chế là động lực phát triển đều được.

Mà trong mỗi bộ máy kinh tế sẽ chỉ có một động lực mà thôi, từ đó kéo theo cả bộ máy kinh tế chạy. Để có thể thoát khỏi thế kẹt như hiện nay thì kinh tế tư nhân phải được nhìn nhận, phải được tạo cơ hội để phát huy vai trò là động lực. Ai cũng thấy, kinh tế nhà nước mặc dù được ưu đãi, được tạo cơ hội nhưng mới chiếm 5% GDP, họ đã không làm được vai trò động lực cho nền kinh tế như chúng ta đã từng kỳ vọng.

Phát triển kinh tế tư nhân cũng chính là phát triển sức mạnh toàn dân tộc để đất nước giàu mạnh. Ta có đổi mới tư duy về kinh tế tư nhân thì mới có những chính sách, chủ trương phù hợp để đối đãi với kinh tế tư nhân. Ngược lại, nếu vẫn còn kì thị kinh tế tư nhân, coi tư nhân là ăn bám, kinh tế tư nhân không phải là xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là làm giàu cho một số người thì không thể phát triển kinh tế tư nhân được.

Do vậy, tới đây cần quan tâm hơn nữa đến kinh tế tư nhân trong báo cáo chính trị, đại hội XII.

- Vậy theo ông doanh nhân phải làm gì để có thể vươn ra biển lớn, có thể hội nhập sâu rộng hơn với doanh nhân các nước?

Năm nay, ta có thể đạt 6,5% GDP, có thể phát triển tốt lên nhưng tình hình kinh tế hiện nay chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi có niềm tin rằng doanh nghiệp tư nhân vẫn tiếp tục phát triển.

Niềm tin ấy còn phụ thuộc vào chủ trương, chính sách phù hợp thì kinh tế tư nhân sẽ phát triển mạnh hơn. Ngược lại, vẫn phát triển nhưng sẽ chậm hơn.

Kết quả vừa rồi cho thấy kinh tế Việt Nam có tăng trưởng, đạt được thêm nhiều thành tựu lớn nhưng tôi vẫn nhấn mạnh rằng những thành tựu ấy đạt được với chi phí quá cao, không xứng đáng với số vốn bỏ ra, giá thành cao mà chất lượng thấp. Trong khi đó, tham nhũng trong những công trình xây dựng bằng vốn nhà nước rất cao, đến 20 - 30%. Nói vậy để thấy những thành tựu ấy chưa tương xứng với tiềm năng, công sức chúng ta bỏ ra, chưa kể tiềm năng trong dân, tiềm năng trí tuệ người Việt Nam là rất lớn.

Vấn đề lớn đặt ra là làm sao để nâng cao sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế, sức cạnh tranh của từng sản phẩm và của từng doanh nghiệp. Sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế thể hiện bằng sự thích hợp của hệ thống thể chế chính trị, cạnh tranh với các nước ASEAN trong khu vực và thế giới.

Sức cạnh tranh quốc gia chính là cạnh tranh về năng lực thể chế. Thể chế ấy phải thích ứng với quy luật phát triển kinh tế thị trường và hội nhập, giải phóng năng lực sản xuất, từ đó tạo nên sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp.

Doanh nhân trong thời hội nhập cần xây dựng được đội ngũ có đủ trí tuệ và bản lĩnh. Hội nhập là cơ hội và cũng là thách thức, chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội. Nâng cao sức cạnh tranh chứ không chỉ ngồi một chỗ để thách thức ép mình mà trước thách thức mình vươn lên, đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới kĩ thuật, đổi mới quản trị doanh nghiệp để sản phẩm rẻ hơn, tốt hơn, bán được nhiều hơn.

Thời điểm này là bước chuyển cực kì quan trọng của nền kinh tế và của đất nước. Chưa bao giờ chúng ta thuận lợi như bây giờ, thế giới ủng hộ chúng ta, ASEAN đứng về phía ta, chúng ta có chỗ dựa hết sức vững chắc là thế giới và khu vực.

Chúng ta là một dân tộc với những con người thông minh, sẵn sàng đầu tư kinh doanh, có một lớp thanh niên nhiều sáng kiến và học vấn cao. Vì vậy, nhà nước cần nâng cao năng lực thể chế, tiếp tục tạo môi trường kinh doanh tốt hơn thể hiện bằng việc cải thiện các luật, nghị định, thông tư, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp cũng phải cải tiến thêm bởi luật pháp hiện nay có nhiều nghị định, thông tư như trên trời rơi xuống. Vì vậy, có những việc nên để thị trường điều chỉnh, có những việc nên để các hội, các tổ chức xã hội công dân điều chỉnh lẫn nhau.

Lan Anh