Anh Nguyễn Ngọc Thắng (34 tuổi), quê ở Thanh Hóa, đã có 6 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành sản xuất, kinh doanh đồ gia dụng tại TP.HCM. Sau một thời gian nghỉ việc, anh quyết định chuyển ra Hà Nội tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mới để được gần gia đình hơn.

Khi nộp đơn xin việc, anh yêu cầu mức lương khởi điểm từ 18 - 20 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, các doanh nghiệp tuyển dụng chỉ có thể trả mức lương từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ kỹ, anh Thắng đã quyết định nhận lời "đầu quân" cho một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gia dụng với mức lương 12 triệu đồng/tháng.

Anh Thắng chia sẻ: "Sống ở Thủ đô Hà Nội để đảm bảo cuộc sống tối thiểu (thuê nhà, ăn uống, xăng xe đi lại), mỗi tháng tôi phải chi tiêu khoảng 10 triệu đồng. Với mức lương 12 triệu đồng hiện tại, tôi chỉ có thể duy trì cuộc sống cơ bản, chờ đợi cơ hội tìm công việc mới có thu nhập cao hơn".

Lao đọng - Lê Anh Dũng2.jpg
Lao động phổ thông tìm việc chiếm tỷ lệ lớn. Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng.

Bà Lê Ngọc Vinh, Giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh nội thất tại Hà Nội, cho biết doanh nghiệp của bà vừa sản xuất, vừa thi công các dự án quanh khu vực Hà Nội, vì vậy mức lương chi trả cho người lao động ở các bộ phận khác nhau cũng có sự chênh lệch. Cụ thể, mức lương bình quân cho công nhân sản xuất tại nhà máy dao động từ 8-9 triệu đồng/người/tháng, trong khi nhân viên kinh doanh có mức lương từ 10-12 triệu đồng. Đối với một vài vị trí quan trọng, mức lương có thể lên tới 18-20 triệu đồng/người/tháng.

Bà Vinh chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi biết rằng để giữ chân lao động thì phải đãi ngộ bằng lương cao, nhưng sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế vẫn hồi phục chậm, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chi trả lương cao hơn cho người lao động. Thời điểm này, việc duy trì sản xuất và đảm bảo mức lương cho công nhân đã là một nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp."

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, qua khảo sát hơn 11.000 hồ sơ người tìm việc trong tháng 10 vừa qua, có khoảng 15% người lao động tìm kiếm công việc có mức lương từ 10-20 triệu đồng/tháng. Mức lương phổ biến mà các doanh nghiệp trả cho người lao động từ 5-10 triệu đồng/tháng, chiếm 57,71% tổng nhu cầu tuyển dụng.

Về trình độ chuyên môn, các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 47,98% tổng nhu cầu tuyển dụng. Tiếp theo là lao động phổ thông (chiếm 26,39%) và công nhân kỹ thuật không có bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề (chiếm 9,55%).

Nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao 

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, vào thời điểm tháng 10 hàng năm, nhu cầu tuyển dụng thường tăng cao ở nhiều ngành nghề, đặc biệt trong các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, xây dựng, sản xuất và logistics.

Các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng nhân sự để phục vụ cho mùa mua sắm và các dịp lễ hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng cường sản xuất và cung ứng hàng hóa cho thị trường. Điều này dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các vị trí bán thời gian cũng tăng mạnh trong giai đoạn này.

Những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở các ngành thương mại dịch vụ, du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí. Các doanh nghiệp thường xuyên tăng cường tuyển dụng lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp cao điểm lễ, Tết.

Để tạo cơ hội tìm việc làm cho nhiều đối tượng lao động, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, bao gồm các phiên đặc thù phù hợp với từng nhóm lao động. Trung tâm cũng phối hợp với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp với sinh viên. Việc gắn kết với các cơ sở đào tạo nhằm hỗ trợ tốt hơn công tác giải quyết việc làm, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.