Vừa qua, chia sẻ với VietNamNet, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết nơi đây đã tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhi 11 tuổi, nhập viện vì treo cổ tự tử tại nhà. May mắn, em được gia đình phát hiện kịp thời và đưa đến bệnh viện.
Sau gần 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, tri giác khá hơn. Nam sinh này đã được cai máy thở, chuyển sang Khoa Nội thần kinh tiếp tục điều trị và được tư vấn hỗ trợ tâm lý. Bác sĩ Tiến cho biết qua tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động này là vì em bị nghi ngờ lấy tiền của bạn trên lớp nên uất ức, suy nghĩ tiêu cực và hành động nông nổi, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý luôn gần gũi trẻ ở tuổi vị thành niên như một người bạn để các em được chia sẻ tâm tư tình cảm cũng như những rắc rối nội tâm. Từ đó, kịp thời động viên, hóa giải, giúp trẻ thoát được khủng hoảng tinh thần, tránh những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến hành động bồng bột.
Thực tế, đây không phải trường hợp hiếm gặp. Nhiều học sinh cũng vì những xích mích sự cố ở lớp, ở trường với bạn bè, thầy cô đã có những suy nghĩ và hành động tiêu cực, gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân. Vấn đề này cũng dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc phải quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hoá ứng xử cho các học sinh trong nhà trường.
Bởi việc xây dựng văn hoá ứng xử sẽ giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, lành mạnh. Văn hóa ứng xử học đường thực chất là các giá trị, chuẩn mực văn hóa, nhằm điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của giáo viên, học sinh trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Đó là yếu tố rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục học sinh.
Thời gian qua, trong ngành giáo dục đôi lúc còn có hiện tượng một số ít giáo viên còn phát ngôn chưa thật sự chuẩn mực, trong các cuộc họp có lúc phát biểu không tuân theo điều hành của chủ trì cuộc họp. Học sinh, sinh viên còn một số ít có lối sống thực dụng, buông thả, không coi trọng giá trị đạo đức. Thậm chí, các em còn lôi kéo để đánh nhau, một số khác lại thản nhiên theo dõi việc đánh nhau và quay video đăng lên mạng.
Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng đội ngũ chuyên gia tâm lý học đường. Đây là những người được đào tạo chuyên sâu, có nhiều thời gian để lắng nghe, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của các học sinh.
Về vấn đề này, sáng ngày 8/11, tại Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết cần phải áp dụng loạt giải pháp có tính chất tổng thể với sự vào cuộc của toàn xã hội. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT đã tính đến một số giải pháp cụ thể với các mức độ ưu tiên.
Việc đầu tiên là tăng cường kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh đối với bản thân mình của học sinh. Bởi việc trang bị kỹ năng sống khi ứng xử với mạng xã hội, hay giao tiếp xã hội phát sinh những vấn đề có nguy cơ liên quan bạo lực đối với chính mình là rất quan trọng. Nhiều em còn ngần ngại khi thông tin, trao đổi, lúng túng khi xử lý do các em còn thiếu kỹ năng xử lý.
Đặc biệt, khi sửa Thông tư 16 trong quy định các vị trí việc làm trong nhà trường cũng đã được thống nhất với Bộ Nội vụ, tới đây có thêm một vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường. Trước đây, vị trí này hoạt động kiêm nhiệm một số giờ nên vai trò còn rất hạn chế. Với nguồn nhân lực của ngành đào tạo trong các trường sư phạm, một năm khoảng 9.000 nhân lực và đào tạo tăng cường, ông Sơn khẳng định số lượng này có thể đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng nhà trường cần đưa thêm và tăng cường các hoạt động mang tính tích cực như các hoạt động tập thể, hoạt đông Đoàn, Đội vui chơi, giải trí. Các hoạt động tích cực sẽ giảm khả năng học sinh sa vào những hoạt động tiêu cực. Điều đó giúp các em giảm những hành vi lệch chuẩn, gây ảnh hưởng đến chính bản thân mình và các bạn học xung quanh.