Nghị quyết 128 được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu “kép”, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.
Nghị quyết 128 quy định các biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch, quy định rõ ràng những việc làm được phép và không được phép đối với tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh hoạt động dịch vụ... áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương được thông suốt; hạn chế được sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ; hoạt động vận chuyển hành khách cũng thuận tiện hơn, kích thích nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều nơi; từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sáng 23/12, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, đơn vị đang tích cực triển khai các công việc để sớm khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước hết là Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ).
Về việc Cục Hàng không chưa phân bổ số lượng chuyến bay trên từng đường bay quốc tế để thuận tiện cho các hãng hàng không, ông Thắng cho biết, muốn phân bổ lịch bay phải được cả 2 bên chấp nhận, không thể đơn phương bên nào quyết định được.
Sớm mở lại đường bay quốc tế để nhanh chóng phục hồi kinh tế |
Nếu Việt Nam đề nghị một tuần 4 chuyến nhưng phía bạn yêu cầu 8 chuyến/tuần, khi đó sẽ phải đàm phán. Cục đã trao đổi qua điện thoại với nhà chức trách hàng không của các nước dự định mở đường bay từ lâu, đến nay có nước đã trả lời rồi, có nước hứa sẽ trả lời sớm.
Nhìn chung, các nước rất quan tâm đến việc mở lại đường bay quốc tế, tuy nhiên họ vẫn đang cân nhắc một số vấn đề, trong đó có việc kiểm dịch của phía Việt Nam như thế nào, có thuận lợi không, có đảm bảo cho các hãng bay của họ bay đến hay không?.
Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, ngay khi thống nhất được, Cục sẽ triển khai phân bổ slot ngay, không thể đơn phương làm trước được. Việc cấp phép bay phải do cả 2 bên cùng cấp chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Hiện Cục Hàng không mới nhận được ý kiến chính thức từ phía Nhật Bản, trước mắt sẽ thực hiện 4 chuyến một tuần cho mỗi bên. Cục hàng không đã họp với các hãng, thống nhất phương án triển khai, phân bổ cho các hãng theo nguyên tắc: hãng nào đã có đường bay từ trước dịch sẽ được phân bổ. Trước mắt chưa xem xét cho hãng mới trong giai đoạn này.
Với đường bay đến Nhật Bản, trước dịch từ Hà Nội và TP.HCM đi Tokyo chỉ có Vietnam Airlines và Vietjet bay nên Cục Hàng không thống nhất chỉ phân bổ cho Vietnam Airlines và Vietjet.
Số lượng chuyến bay của mỗi hãng được quyết định theo tỷ lệ các chuyến bay trước đây họ đã có. Phía Nhật cũng đã thông báo cho Cục Hàng không sẽ chỉ định 2 hãng bay phía họ là Japan Airlines và ANA.
Lo ngại biến chủng Omicron
Về lo ngại lây lan của biến chủng Omicron ảnh hưởng đến đường bay quốc tế, ông Thắng cho biết, tùy vào chính sách của từng nước trong phòng chống dịch.
Cục hàng không cũng đang tính phương án các nước không cho đưa khách vào nước họ nhưng không hạn chế đưa khách ra khỏi nước họ. Vì vậy, chúng ta vẫn có thể tổ chức các chuyến bay chở khách 1 chiều để đưa đồng bào về nước.
Cục hàng không thông tin thêm, hiện nay Chính phủ chưa có kế hoạch triển khai các chuyến bay trọn gói, trước mắt vẫn tập trung khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ từ 1/1/2022. Còn việc tổ chức chuyến bay trọn gói sẽ tùy theo nhu cầu của hành khách và sự chấp thuận của các cấp thẩm quyền.
Phương án bay thường lệ tới châu Âu, Úc nằm trong giai đoạn 2 theo kế hoạch của Bộ GTVT. Tuy nhiên, sau khi thí điểm bay tới các quốc gia, vùng lãnh thổ ở Châu Á khoảng 1 tuần, Cục hàng không sẽ đánh giá nếu thuận lợi sẽ đề xuất cho phép tăng tần suất và khai thác giai đoạn 2 luôn để tạo điều kiện cho đồng bào về nước vừa giảm khó khăn cho các hãng.
Trà My